Hiện nay trên đất nước Việt Nam còn lại rất ít di tích của người chăm. Một số di tích đã bị hủy hoại bởi năm tháng. Tháp Dương Long hiện đang là một trong những tháp còn sót lại khá nguyên vẹn. Hiện nay đây cũng là điểm du lịch khá hấp dẫn cho bạn. Nếu bạn đang có ý định tìm hiểu về lịch sử Chăm hay muốn Check in tại một điểm có nét cổ kính thì Tháp Dương Long sẽ là một địa điểm lý tưởng cho bạn.
Vị trí tọa lạc
Tháp Dương Long (hay còn gọi tháp Bình An, An Chánh, Vân Tương, tháp Ngà) là một cụm gồm ba ngọn tháp Chăm (Chăm Pa) nằm liền kề, thuộc địa phận hai thôn Vân Tương, xã Bình Hòa và thôn An Chánh, xã Tây Bình, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Tháp được xây dựng từ cuối thế kỷ XII, đây là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của nền văn hóa Chăm Pa.
Để đến được tháp Dương Long, từ TP. Quy Nhơn bạn đi theo quốc lộ 1A về hướng Bắc khoảng 35 km, tới ngã tư đèn xanh đỏ thuộc thị trấn Gò Găng (huyện Phù Cát), bạn rẽ trái (tức đường vào sân bay Phù Cát, nhưng không rẽ vào sân bay) mà đi tiếp theo tỉnh lộ 636 (quốc lộ 19B) khoảng 15 km nữa. Vừa đi vừa xem bản đồ để rẽ trái vào địa phận xã Tây Bình, hoặc hỏi dân địa phương đường rẽ vào tháp Dương Long.
Khám phá tháp Dương Long
Tháp Dương Long nằm giữa địa phận của hai thôn An Chánh, xã Bình Tây và Vân Tương, xã Bình Hòa. Vì thế, ngoài tên gọi thường được nhắc đến là Dương Long thì ba tòa tháp này còn có nhiều tên gọi khác nhau do người dân hai xã đặt cho như: tháp Vân Trường, tháp An Chánh, tháp Bình An. Xưa kia, khi người Pháp tới nơi này thì gọi nó là Tour d’ Ivoire (tạm dịch là tháp Ngà). Từ một khoảng cách khá xa bạn cũng có thể nhìn thấy tháp. Bao quanh khu di tích là những cánh đồng lúa mênh mông và một vài hộ dân sinh sống gần đó.
Tháp Dương Long từ lâu đã là điểm du lịch Bình Định được rất nhiều người chú ý. Tháp được xây dựng với cấu trúc độc đáo có ba tháp liền kề: Tháp Bắc, tháp Giữa, tháp Nam. Đầu tiên là tháp Bắc có nền móng hình vuông, mỗi cạnh rộng tới 12m, chiều cao tới 30 m vững chắc, cao vút lên trời. Cửa của tháp Bắc được tạo thành hình mũi lao với nhiều lớp chồng khít lên nhau, phía dưới là hai trụ cửa làm bằng đá trên đầu là tượng thần Garuda huyền bí. Bên cạnh cửa chính là nhiều cửa giả được trang trí hình hoa lá và rắn uốn quanh.
Vào trong tháp là hình mặt Kala miệng khạc ra rắn bảy đầu, liền kề đó một diềm đá được chạm khắc tinh xảo nhiều hình voi, sư tử rất sinh động, ngăn cách giữa thân tháp và mái. Mái của tháp có cấu trúc bốn tầng nhỏ dần lên trên, và trên cùng là một búp sen ở đỉnh tháp, tất cả đều được lắp ghép bằng nhiều phiến đá nguyên khối. Đối xứng với tháp Bắc là tháp Nam có kích thước và cách trang trí khá giống, tạo nên một thế đối xứng qua tháp Giữa. Có điều, tháp Nam được chạm khắc một số hình ảnh khác như những bức phù điều của các đạo sĩ ngồi thiền, và nhiều hình người, sư tử, cũng như các linh vật khác được đan xem đối xứng với nhau. Tất cả tạo nên một tháp Nam vừa chân thực mà cũng đầy huyền bí.
Nằm ở vị trí trung tâm là tháp Giữa, cũng là tháp lớn nhất, về mặt cấu trúc tháp Giữa được thiết kế như hai tháp Bắc Nam, tuy nhiên chiều cao lên tới 39 m, và ít chi tiết được trang trí hơn. Tháp Dương Long là quần thể tháp được làm theo phong cách nghệ thuật mang đặc trưng của tháp Champa, ảnh hưởng nhiều của nghệ thuật Khmer. Tuy nhiên cũng nhờ đó mà người ta phỏng đoán về thời gian tháp Dương Long được xây dựng, vào khoảng thế kỉ 12-13.
Tồn tại hàng trăm năm và trải qua bao thăng trầm lịch sử, cho đến nay quần thể này cũng hư hỏng khá nhiều, nhưng nét kiến trúc độc đáo vẫn được thể hiện khá rõ nét. Nơi đây được ghi nhận là cụm tháp được xây bằng gạch cao nhất Đông Nam Á hiện còn tồn tại. Với chiều cao của tháp giữa lên tới 39m, hai tháp Bắc Nam có chiều cao lần lượt là 32m và 33m. Cụm tháp ở đây đều có chung một nét thiết kế được chia thành ba phần rõ rệt là: đế, thân và mái tháp. Phần đế được xây khá cao, vững trãi, xung quanh thân tháp lại được trang trí rất nhiều những hoa văn họa tiết tinh xảo đặc trưng của người Chăm.
Các phần bằng gạch ở cửa chính đã bị xuống cấp nhiều, không còn giữ được nguyên trạng nhưng theo những tư liệu cũ cho thấy các cửa chính trước đây được xây đều có mái vòm vát chéo lên phía trên. Trên hai trụ cửa bên ngoài được làm từ đá khối và trạm khắc hình thần Garuda chân quắp hai đầu răn. Xung quanh là những cửa giả nhỏ được mô phỏng lại theo kiến trúc của cửa chính. Đỉnh trụ được thay bằng họa tiết lá nhĩ với bên trong là mặt Kala, trong miệng nhả ra bảy con rắn với hình dáng uốn lượn, bên ngoài được bao bọc bởi thân rắn uốn quanh.
Như Quỳnh ATP SOFTWARE