Những món ăn mà chúng ta thấy là bình thường ấy, lại là một phần làm nên lịch sử của thế giới bây giờ.
Có những món ăn mà đối với chúng ta ở hiện tại thật sự rất bình thường, song đối với các quân đội trên thế giới thì lại mang ý nghĩa rất to lớn. Không những góp phần chống đói và nuôi dưỡng những con người ấy ở mức cơ bản nhất, nó còn cống hiến rất lớn về mặt tinh thần và làm nên lịch sử thế giới như hiện nay. Sau đây, chúng mình xin được phép “vinh danh” những món ăn ý nghĩa tuyệt vời ấy đối với mỗi quân đội trên thế giới nhé:
Việt Nam – Cơm lam
Tháng 5 năm 1954 đánh dấu chiến thắng quân sự lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp ở Việt Nam ở Điện Biên Phủ, và cơm lam chính là món ăn gắn liền với nơi có chiến thắng vẻ vang này. Cơm lam là đứa con của núi rừng Tây Bắc, vốn dành cho người đi rừng nhiều, trong đó có quân đội Việt Nam mình. Sở dĩ gọi là cơm lam vì món này được nấu bằng cách “nướng” gạo trong ống tre, nứa, và chữ “lam” nghĩa là “nướng” của dân tộc Thái.
Trong cuốn binh pháp Hổ Trướng Khu Cơ của tác giả Đào Duy Từ, cơm lam đã từ một món ăn dân dã được áp dụng như một cách để đáp ứng quân lương khi hành quân gian khổ. Cơm được đựng trong ống tre, cho thêm chút nước là có thể được nướng chín mà mang đi đâu cũng được. Trong thực tế, món cơm lam ăn cùng muối riêng đã từng là một trong những món ăn đồng cam cộng khổ đối với quân nhân Việt Nam trong cảnh “màn trời chiếu đất”. Cơm lam không chỉ là một nét văn hóa đẹp của ẩm thực Tây Bắc, mà còn là một món ăn có ý nghĩa đặc biệt đối với các chiến sĩ Việt.
Mỹ – Donut
Vào Thế Chiến thứ nhất năm 1917, chiếc bánh vòng donut kinh điển đã được xem như một biểu tượng của tình yêu thương và sẻ chia được gửi đến những quân nhân Mỹ. Điều này được đánh dấu bởi sự kiện một nữ sĩ quan đã đưa một chiếc bánh donut mới chiên cho một chàng lính Mỹ đang nhớ nhà ở Pháp.
Từ đây, một chiến dịch tình nguyện đã diễn ra trên khắp nước Mỹ, khi một tập thể những người phụ nữ đã tự gọi mình là “Donut Girls (Những thiếu nữ donut)” và nhận nhiệm vụ mang những chiếc bánh vòng thơm ngon ra tiền tuyến cho các binh lính. Tại ngũ, những sĩ quan nữ cũng đã hợp tác với nhau làm bánh donut ngay trong căn cứ, tận dụng những con dao quân dụng để cắt bột và một cái chai thủy tinh để cán bột.
Khi chiến tranh kết thúc và những binh sĩ này trở về, tình yêu của họ dành cho chiếc bánh donut đã vấn vương đến tận ngày nay. Hiện tại, nước Mỹ tiêu thụ hơn 10 tỷ chiếc bánh donut mỗi năm.
Nhật – Onigiri
Onigiri hay cơm nắm, là một món ăn đã quá phổ biến với mọi tầng lớp người dân Nhật Bản, nhưng đối với quân đội Nhật thì đấy lại là một câu chuyện khác. Nhiều nghiên cứu cho thấy onigiri có nguồn gốc từ các samurai vào thế kỷ mười bảy, khi những chiến binh này đã vo cơm và cho vào các ống tre. Món cơm này xem như bữa trưa ăn vội vàng trong thời chiến.
Onigiri đi cùng người Nhật và quân đội Nhật qua năm tháng, mãi đến thời Heian (794 – 1192), quân đội Nhật vẫn mang cơm nắm theo như quân lương. Được biết, có nhiều lần khi thu dọn tàn tích chiến tranh, người ta đã tìm thấy rất nhiều những nắm cơm bể vụn giữa chiến trường tàn khốc. Những nắm cơm này đã phục vụ binh sĩ Nhật từ miếng ăn cơ bản nhất và đồng hành cùng họ đến hơi thở cuối cùng như vậy đấy.
Đến hiện tại, trong các khẩu phần lương khô được phân phát của binh sĩ Nhật vẫn có onigiri.
Ấn Độ – Bánh mì dẹt chapati
Vào năm 1857, quân đội Anh hùng mạnh đã bị nhân dân Ấn Độ dọa cho sợ run cả người chỉ với vài chiếc… Chapati (bánh mì dẹt kiểu Ấn). Cụ thể là, vào cái thời mà người Anh còn chiếm đóng Ấn Độ như thuộc địa, nhân dân Ấn Độ lúc bấy giờ đã lặng lẽ chuẩn bị cho một cuộc cách mạng giành độc lập. Tuy nhiên để thành công thì cũng cần có chiến thuật, và chiến thuật đấy thì có liên quan mật thiết đến những chiếc bánh chapati.
Trước trận chiến vũ trang khoảng vài tháng, người Ấn Độ đã lặng lẽ chuyền tay nhau số lượng lớn những chiếc bánh chapati khắp đất nước với tốc độ nhanh chóng mặt. Hành động này làm dấy lên nghi ngờ trong quân đội Anh, khiến họ chạy ngược chạy xuôi điều tra. Họ thu giữ không biết bao nhiêu chiếc bánh, lật lên lật xuống, nướng lên ăn thử, thí nghiệm đủ cả… song không giải mã được gì. Điều này khiến quân đội Anh chìm trong sợ hãi và hoang tưởng tột độ, để rồi chịu thiệt thòi nặng trong trận chiến sau đó.
Được cho hay, những chiếc bánh đấy thật ra chẳng có gì cả, chỉ là một chiến lược tâm lý mà thôi. Cuộc cách mạng này của người Ấn Độ về sau được biết đến với tên là “cách mạng Chapati”.
Như Quỳnh ATPSOFTWARE- Nguồn Kênh 14