Theo dự kiến, cuối tháng 6 sẽ diễn ra phiên xử phúc thẩm vụ ly hôn của vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Trong cuộc ly hôn này, người ta nói nhiều về cổ phần, lợi nhuận, chia chác tiền bạc, nhưng lại không mấy nhắc đến cuộc chia tay của họ trong khía cạnh của một gia đình, về một người chồng, người vợ và những đứa con.
Không có ai là người thắng cuộc
Phán quyết của tòa tại phiên sơ thẩm vụ ly hôn của vợ chồng ông Vũ, bà Thảo – hẳn có người vui, người buồn, người mãn nguyện, người thất vọng.
Nhưng, suy cho cùng, sau cuộc chiến trên tòa, ông Vũ, bà Thảo đều là người thua cuộc trong cương vị là một người cha người mẹ. Họ “thua” vì đã không giữ được cho các con mình một gia đình, để tổ ấm của chúng giờ phải tan đàn xẻ nghé.
Bố mẹ chia tay là một tổn thương lớn nhất trong cuộc đời của những đứa trẻ bình thường, trong cuộc ly hôn của ông Vũ – bà Thảo, những đứa con của họ dường như còn bất hạnh hơn nhiều lần. Bởi lẽ, dường như người lớn đang bận rộn cãi vã về Trung Nguyên, về tài sản, chứ không phải về những đứa con và gia đình của chúng.
Dư luận nhìn vào gia đình họ, đánh giá đúng sai. Nhưng dù họ chỉ trích bố Vũ, hay mẹ Thảo, đều là điều xót xa cho những đứa con này.
“Mẹ xin lỗi các con vì đã không bảo vệ được gia đình ta”, bà Thảo từng chua xót thốt lên sau cuộc ly hôn ê chề.
Hẳn là lúc này, ước mơ của “Bin anh, Bin em, Tina và Tini”, 4 đứa con ngây thơ của họ, không phải là mình được bao nhiêu tiền mỗi năm, có bao nhiêu phần trăm Trung Nguyên. Mà chúng mong ước bằng một cách nào đó, cha và mẹ sẽ nghĩ đến lý do tại sao họ đến bên nhau mà quay lại với nhau và mọi thứ lại trở nên tuyệt vời như trước kia.
Trong lá thư mà người con cả Bin Anh gửi cho bố và bà nội trước tòa đã nói rằng: “Ba mẹ ly hôn là sự việc bất hạnh và đau buồn nhất trong đời chúng con” và khát khao rằng “chúng con luôn mong ước gia đình mình lại được có ba và vui như ngày xưa.” Mặc dù vậy, ông Vũ đã từ chối xem lá thư này trước tòa…
Mối tình từ thuở cơ hàn
Bà Thảo từng chia sẻ, bà từng bị cuốn hút bởi một Nguyên Vũ luôn hừng hực khát vọng làm giàu, khát vọng đổi đời, khát vọng về việc sẽ thay đổi số phận.
Còn ông Vũ cũng viết những lá thư tình đầy ngọt ngào gửi cho bà Thảo: “Em yêu! Những ngày đầu khởi sự, nỗi lo toan ngập trong mắt anh. Thế nhưng, ở đó em có thấy bóng hình em cũng in đậm đâu có kém gì (anh cười). Anh của em – Nguyên Vũ”.
Người ta đã từng rất ngưỡng mộ khi nhìn vào gia tài mà ông Nguyên Vũ và bà Diệp Thảo có được: Không chỉ là một Trung Nguyên cường thịnh, mà còn là một cuộc hôn nhân viên mãn hơn 20 năm từ thuở cơ hàn và 4 đứa con ngoan ngoãn, giỏi giang. Và như thế, Diệp Thảo hẳn là người đàn bà có tất cả mọi thứ.
Nhưng đến giờ thì sao? Nỗi cô đơn và chênh vênh đến tận cùng của người phụ nữ này không phải mấy ai thấu hiểu. Hẳn, có những lúc, bà Thảo ít nhiều chạnh lòng khi một mình chống chọi với cuộc đời. Bởi lẽ, cuối cùng, một người phụ nữ dù bản lĩnh đến như thế nào, thì họ cũng cần người đàn ông bao bọc và chở che.
Trong cuộc đổ vỡ nào, người đàn bà cũng nhận phần đắng cay hơn. Bà Thảo chấp nhận lùi về phía sau để cho chồng tỏa sáng, hy sinh thanh xuân và sức lực cho gia đình.
Và, khi người phụ nữ bước sang tuổi 50, cơ ngơi trăm ngàn tỉ mà bà Thảo có, chắc chắn không thể lấp đầy được sự cô đơn, bất hạnh.
Bước sang quá nửa bên kia cuộc đời, bà Thảo cũng như những người phụ nữ khác, chỉ mong muốn một căn nhà ấm áp, chồng con sum vầy hạnh phúc. Tiền bạc hay quyền lực, đến cuối cùng vẫn chỉ là phương tiện sinh tồn. Tiền mất rồi thì có thể kiếm lại được. Nhưng, gia đình mất đi rồi, có nhiều tiền đến thế nào cũng không thể mang trở về được.
“Kể cả khi anh Vũ ốm đau, kể cả nếu đến một ngày chồng tôi tay trắng trở về như những ngày đầu chúng tôi gặp nhau, tôi sẽ vẫn chờ đón anh ấy”, bà Thảo nói.
Và hơn hết, gia đình là không bao giờ bỏ rơi nhau.
Nguồn Báo Lao động