Cú shock đầu năm mang tên Zero9 và Tăng Nhật Tuệ lại điểm thêm một dấu chấm buồn vào thực trạng èo uột của các ban nhạc Việt. Từ rất lâu rồi, cứ như thể showbiz Việt đang tồn tại một “lời nguyền” dành cho họ vậy…
Những con đường luẩn quẩn dành cho ban nhạc Việt
Không cần phải tới màn tiết lộ động trời của một cựu thành viên Zero9, ban nhạc này cũng đã sở hữu đủ những ồn ào. Màn ra mắt như một câu chuyện tiếu lâm, MV debut bị chê bai và định hình phong cách là… rập khuôn và bắt chước, Zero9 đang góp phần không nhỏ khiến hình ảnh nhóm nhạc Việt trở nên xa vời hơn với thành công.
Trước Zero9, hàng loạt những lùm xùm ầm ĩ của đủ mọi ban nhạc, từ cựu trào như 365 cho tới mới mẻ như Uni5, Monstar, tất cả họ đều có những vấn đề của riêng mình.
Phổ biến nhất là việc không ngần ngại sao chép từ phong cách, âm nhạc, thậm chí tới cả cách ăn mặc cũng như nghệ danh, các ban nhạc Việt đang cho thấy không phải ngẫu nhiên mà thất bại lại ưu ái họ nhiều tới vậy.
Khi mà những người làm nghệ thuật tự biến mình thành những cỗ máy copy, định hướng bứt phá là nhờ sự chú ý bằng mọi giá, quá khó để họ tạo ra được dấu ấn của riêng mình. Không hẳn mọi ban nhạc Việt đều lựa chọn cho mình con đường đó, nhưng tới thời điểm hiện tại thì phần lớn đều không có cho mình lựa chọn tốt hơn!
Chỉ nhìn qua thôi, công chúng cũng đủ ngán ngẩm với hàng loạt những bản sao na ná của những ban nhạc nước ngoài đình đám. Những cái tên lai căng, vô nghĩa, những bản nhạc mà khi nghe người ta luôn cảm thấy “mỏi cổ” vì… phải cúi đầu chào hỏi “người quen”, tất cả chúng đang là thứ công thức chung xấu xí dành cho rất nhiều ban nhạc.
Sự bắt chước vụng về và kì cục đó cứ khiến nhiều người phải thốt lên rằng: Chẳng lẽ nếu không copy ban nhạc Hàn thì chúng ta sẽ… chết hay sao? Rõ ràng, học hỏi những điều hay ho từ một nền giải trí phát triển là điều tuyệt vời, nhưng học hỏi chưa bao giờ đồng nghĩa với rập khuôn một cách ngây ngô cả!
Những vết đen xấu xí giấu sau hào quang ban nhạc
Có một thực tế đang hiển hiện trong làng nhạc Việt: Các ban nhạc đang loay hoay tìm chỗ đứng cho mình trong bối rối. Thứ họ có nhiều nhất chỉ là ước mơ, tham vọng, nhưng lại thiếu đi điều quan trọng nhất: Cách biến mơ ước thành sự thật!
Có bao nhiêu ban nhạc có được bản hit đình đám cho riêng mình? Có bao nhiêu ban nhạc định hình được một phong cách riêng, thu hút được sự quan tâm từ khán giả bằng tài năng và sáng tạo? Đáp án cho những câu hỏi đó quá khó, nhưng đáp án cho những câu hỏi liên quan tới scandal nhóm nhạc lại quá nhiều…
Người làm nghệ thuật nào cũng muốn có khán giả yêu mến, hâm mộ, nhưng khi cả niềm tin cũng là điều xa xỉ thì các ban nhạc vẫn còn một chặng đường rất xa để đi tới thành công. Khoan nói tới những điều cao vời, tới một thứ đơn giản nhất như… liệu ban nhạc còn đủ từng ấy thành viên trong tương lai không cũng không một ai dám chắc!
Những thứ còn lại cũng chẳng hề chắc chắn hay bền vững hơn chút nào. Một ông bầu tận tuỵ, tốt bụng cũng có thể bị lật mặt thành kẻ gạ tình, “anh cả” của cả band một ngày đẹp trời nào đó biến thành kẻ bóc lột, hăm doạ, thành viên cốt cán quay đầu hé lộ những bí mật ăn chia, thu nhập của mình.
Tất cả những thứ đó đang biến ánh hào quang ban nhạc trở nên u ám và xấu xí. Đặt những thành tựu nhỏ nhoi bên cạnh núi scandal đủ sắc màu kia, không khó để người ta lý giải việc chẳng mấy ai mặn mà với “ban nhạc Việt”. Bởi làm gì có ai muốn đặt tình cảm và niềm tin vào những điều phù phiếm, mong manh?
Bất công hay công bằng với “phần còn lại”?
Nói một cách công tâm thì làng nhạc Việt không chỉ có những ban nhạc ồn ào, nhiều scandal và những rắc rối hậu trường. Vẫn còn rất nhiều, rất nhiều những ban nhạc tồn tại bằng đam mê, khát vọng nghệ thuật và đến với nhau bằng sự đồng cảm, tin tưởng.
Ngay tại những gameshow dành cho ban nhạc thôi, người ta vẫn có thể chứng kiến sự xuất hiện của những tập thể làm nghệ thuật theo kiểu vậy. Ăn ý, hết mình và cống hiến, đó là những gì họ thể hiện trên sân khấu…
Tiếc rằng, quy luật của showbiz vốn cực kì nghiệt ngã. Phần lớn những ban nhạc Việt “gặp chuyện” đều ở khi họ đạt được đôi chút thành công. Cái tôi quá lớn của người làm nghệ thuật, cám dỗ của lợi danh, xích mích nảy sinh khi nghệ thuật không còn là đích chung duy nhất… Họ đã tan rã theo cách đó!
Trên một góc độ nào đó, sự nghiêm khắc và những ràng buộc ngặt nghèo là điều không thể khác nếu muốn quản lý thành công một ban nhạc. Nếu ban nhạc là một căn nhà thì những ràng buộc và quy định kia giống như cột chống, móng nhà – những thứ không nhìn thấy nhưng lại giúp căn nhà đứng vững.
Có điều, quy định là chết còn con người thì sống. Từ một yếu tố cực kì cần thiết cho ban nhạc, chúng có thể biến hình thành công cụ trả đũa, chèn ép hay lý do đấu tố, tuỳ theo cách người ta sử dụng mà thôi.
Trong câu chuyện ồn ào của những ban nhạc Việt, có đủ mọi lý do được đưa ra để tố cáo nhau, mỉa mai nhau. Ai cũng có phần đúng thuộc về mình cả, còn phần sai và những xấu xí thì thuộc về chỉ một cái tên: “Ban nhạc”.
Khái niệm vốn rất chung chung đó nay lại gánh trách nhiệm “đứng mũi chịu sào” cho những thành kiến, ác cảm từ dư luận. Để khi những bậc cha mẹ quyết liệt cấm cản con tham gia ban nhạc với nỗi sợ hãi hệt như con tham gia… băng đảng, có “ngôi sao” nào chợt nghĩ rằng họ đã vô tình giết chết một phần thú vị của âm nhạc Việt?
Như Quỳnh ATPSOFTWARE- nguồn Trí Thức Trẻ