Bình Định là một địa điểm du lịch khá hấp dẫn. Hấp dẫn du khách ở đây không chỉ là thắng cảnh đẹp, lịch sử lâu đời, bản sắc văn hóa đặc sắc mà còn ở nền ẩm thực vô cùng phong phú. Dưới đây sẽ là một số món ăn nếu bạn chưa nếm qua bạn chưa đến Bình Định.
Bánh xèo tôm nhảy rau mầm
Thú vị ngay từ tên gọi, bánh xèo tôm nhảy từ lâu đã trở thành một món ăn nổi tiếng và mang hương vị riêng của quê hương Bình Định. Điều hấp dẫn nhất đối với những người đầu tiên thưởng thức món ăn này, đó là nhân bánh chỉ gồm có tôm, mỗi chiếc bánh có chừng 8-9 con tôm tròn mẩy, chín đỏ au nằm xen lẫn với giá đỗ khiến cho mặt bánh vô cùng lôi cuốn và hấp dẫn. Loại tôm này nhỏ, nhưng thịt chắc và thơm, khi ăn vào sẽ thấy ngọt bùi đến lạ.
Để chiếc bánh được thơm ngon, giòn đều, người ta thường chiên trên bếp đang rực hồng, dùng miếng mỡ chài xoa đều một lớp mỏng lên mặt chảo, khi lớp mỡ nóng già mới đổ bột bánh vào, nhanh tay cho tôm và rắc vài mầm giá đỗ, hành lá xắt khúc rải lên trên cho thêm phần hấp dẫn. Chỉ chừng 3 phút sau, bánh đã tỏa mùi hương thơm lựng đầy mời gọi. Đến khi mặt dưới của chiếc bánh vàng giòn, viền bánh co lại và giá đỗ tái đi là có thể đem ra dùng nóng.
Món này thường ăn kèm với rau mầm cho bớt ngán. Loại rau xanh mươn mướt ấy ăn hơi the cay nhưng rất mát và bổ, cùng với xoài chua thái sợi và vài thứ rau sống khác. Khi ăn, tất cả được cuộn trong miếng bánh tráng chấm mắm tỏi ớt nữa mới đúng điệu.
Bạn có thể thưởng thức bánh xèo tôm nhảy ngon ở quán Gia Vĩ, số 14 Diên Hồng, Tp Quy Nhơn
Bún chả cá Quy Nhơn Bình Định
Đây là món đặc sản nổi tiếng nhất ở thành phố biển xinh đẹp Quy Nhơn. Điểm làm nên sự khác biệt so với bún chả cá ở những địa phương khác chính là chả cá và nước dùng. Chả cá ở đây được chế biến hoàn toàn từ cá tươi với nhiều gia vị được nêm nếm kĩ lưỡng theo phương thức gia truyền. Nước dùng chủ yếu được nấu từ xương cá, đầu cá tạo ra vị ngọt dễ chịu, khó quên. Ăn kèm với bún chả cá là chén tương ớt đặc trưng được pha chế chỉ Bình Định mới có.
Ở Quy Nhơn, có quán bún chả cá Ngọc Liên trên đường Nguyễn Huệ khá ngon. Ngoài bún chả cá thì ở đây còn có bún riêu (nhưng không phải là riêu cua như ngoài Bắc)
Bánh hỏi lòng heo
Bánh hỏi có nguồn gốc từ Diêu Trì, là một món ăn không thể thiếu mỗi buổi sáng của người dân Bình Định. Bánh hỏi được làm từ gạo như cách làm bún nhưng sợi bánh thanh mảnh hơn. Ản kèm với bánh hỏi là lòng và thịt heo thái miếng, bên cạnh là một chén cháo nóng hổi cùng nước mắm tỏi ớt pha hơi ngọt để phù hợp với khẩu vị của người miền Trung.
Ngay gần quán bánh xèo tôm nhảy trên đường Diên Hồng có quán bánh hỏi lòng heo khá nổi tiếng, các bạn có thể qua đây vào buổi sáng để thử món ăn này nhé.
Cá mương cuốn rau rừng
á mương có nhiều ở thượng nguồn các con sông lớn của Bình Định, nhưng loại cá này tập trung nhiều nhất ở khu vực thượng nguồn sông Kut một nhánh nhỏ của sông Kôn. Cá bắt lên làm sạch, chiên vàng, ăn chung với rau rừng như: lá bương, lá giang, lá lộc vừng… chấm với mắm nêm. Vị giòn của cá hòa quyện với vị thơm bùi của các loại rau tạo nên một cảm giác cực kỳ thú vị cho người ăn. Muốn ăn bạn nhớ ghé xã Tây Phú huyện Tây Sơn, hoặc một số nhà hàng, quán ăn ở huyện Vĩnh Thạnh.
Bún tôm Châu Trúc
Làng Châu Trúc nằm quay mặt ra bờ đầm Châu Trúc (còn gọi là đầm Trà Ô) là một trong những đầm nước ngọt lớn nhất tỉnh. Người dân làng Châu Trúc sống bằng nghề làm ruộng và chài lưới. Chính hai nghề này và tâm hồn người Châu Trúc đã tạo nên một món ăn thú vị, thấm đẫm hồn đất, hồn nước và mộc mạc như tâm hồn người dân cần cù lao động. Đó là món bún tôm Châu Trúc. Đầu tiên phải kể đến khâu làm bún. Gạo được ngâm vào nước cho mềm rồi mang đi xay. Nước bột gạo được cho vào túi vải đăng ráo nước, sau đó đưa bột vào cối giã nhuyễn. Mỗi cối bột là một dặn. Dặn (khuôn) ép bún được làm bằng ống nhôm, một đầu để trống, một đầu hàn kín, đáy xăm lỗ li ti để khi ép, bún từ đó mà chạy ra. Thân dặn được lắp vào bàn ép đặt cố định trên nồi nước luộc bún bắc trên bếp lò. Người bán bún ép bún từ dặn, bún chạy thẳng vào nồi nước luộc. Nước sôi, cọng bún gạo từ màu trắng đục chuyển sang màu trắng trong là coi như bún chín, dùng rá vớt bún, xóc sơ qua trong nước nguội là coi như xong phần bún.
Tôm dùng làm bún phải là những con tôm đất được đánh bắt từ đầm Châu Trúc, hãy còn sống, nhảy tanh tách, bỏ vào cối giã nhuyễn cùng với tí muối, tí ớt… Khi có người đến ăn bún, người bán dùng đũa gẩy một đũa thịt tôm cho vào bát, cho chút bột ngọt, nước mắm, múc nước luộc bún đang sôi đổ vào bát khuấy đều, sau đó cho bún vào, rắc mấy cọng hành ngò, vẩy chút tiêu. Tô bún nghi ngút khói, toả hương thơm dìu dịu, lại có thêm một cái bánh tráng nướng giòn, ăn vào thấy cay cay, vừa ngon, vừa ngọt, trong lành mà đậm đà hương vị. Cái vị ngọt nhẩn nha lan tỏa… Dân dã là thế, nhưng đi xa đến đâu vẫn thấy da diết nhớ…
Như Quỳnh ATPSOFTWARE