Bình Định miền đất tự hào là đất võ hào kiệt. Nơi sinh ra 3 anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung- Nguyễn Huệ. Giờ đây trên miền đất ấy hình thành nên bảo tàng Quang Trung và lễ Hội Đống Đa để tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc, tạo nên nét văn hóa dân tộc đặc sắc thu hút hàng vạn du khách về với Bình Định. Cùng khám phá nét đặc sắc không thể bỏ qua này.
Sơ lược lịch sử hình thành:
Khởi công xây dựng vào năm 1978 trên chính nền nhà cũ của gia tộc Nguyễn Huệ, trong một khuôn viên rộng 95.000m2, bảo tàng Quang Trung là một không gian văn hoá bao gồm: khu vực bảo tàng, điện thờ Tây Sơn Tam kiệt, tượng đài Hoàng đế Quang Trung, nhà biểu diễn nhạc võ Tây Sơn, nhà rông văn hoá các dân tộc Tây Nguyên.
Được khánh thành vào năm 1978 tại làng Liên Mỹ, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 45km theo đường quốc lộ 19. Nơi đây được coi là bảo tàng Danh nhân lớn nhất cũng như bảo tàng thu hút được đông đảo khách đến tham quan du lịch và tìm hiểu về lịch sử nhiều nhất ở Việt Nam
Khám phá bảo tàng Quang Trung
Bảo tàng có 9 phòng trưng bày với những di vật quan trọng liên quan đến phong trào khởi nghĩa Tây Sơn. Nằm trong quần thể Bảo tàng Quang Trung là điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt và các danh tướng thời Tây Sơn. Điện được xây dựng trên chính nền nhà cũ của ba anh em nhà Tây Sơn. Điện được nhân dân góp công xây dựng vào năm 1958 và hoàn thành vào năm 1960 với tổng thể diện tích 2.325m².
Trong bảo tàng có 3 nhóm nhà chính, gợi ra 3 hướng tỏa vào sân tượng , cùng với đường vào từ phía cổng bảo tàng, tạo nên bố cục sân tượng tròn và cân đối, mở ra 4 hướng, xong lại tụ vào 1 điểm: đó là nơi đặt tượng đài Quang Trung – Nguyễn Huệ. Nhìn bề ngoài, kiến trúc Bảo tàng Quang Trung mang đường nét cổ, với những hàng cột được nhắc lại có nhịp điệu và những lớp mái cong khỏe khoắn nhưng vẫn lãng mạn, hài hòa.
Trước sân rộng có cổng tam quan, tiếp đó là nhà bia ghi công lao của Quang Trung – Nguyễn Huệ viết bằng chữ quốc ngữ. Chính điện gồm ba gian, gian giữa thờ Quang Trung – Nguyễn Huệ, có bức tranh ông cưỡi ngựa đặt trong khung kính, gian bên trái thờ Nguyễn Nhạc, gian bên phải thờ Nguyễn Lữ. Hai đầu hồi là ban thờ các văn thần võ tướng nhà Tây Sơn như: Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Võ Văn Dũng, Ngô Thì Nhậm, Ngô Văn Sở, Trần Văn Kỷ…
Hiện nay trong khu vườn cũ của gia đình anh em Tây Sơn vẫn còn lại hai di tích cực kỳ quý giá là cây me cổ thụ và giếng nước xưa, tương truyền có từ thời Hồ Phi Phúc. Cây me cổ thụ nằm bên trái điện Tây Sơn cành lá xum xuê che mát cả một góc vườn, có chu vi gốc cây tới 3,5m. Bên phải điện Tây Sơn là giếng nước, đường kính 0,9m.
Đến Bảo tàng Quang Trung, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc, những hiện vật trưng bày mà còn được xem biểu diễn võ thuật và trống trận Tây Sơn. Một bài trống trận Tây Sơn gồm 3 hồi: Xuất trận, xung trận – công thành, ca khúc khải hoàn…, không hề có hồi trống trận lui quân như những bài trống trận thông thường. Phải chăng trong suốt cuộc đời cầm quân đánh giặc chưa một lần Quang Trung thất bại, chưa một lần phải lui quân, cứ thắng dồn dập như chẻ tre, nên trống trận chỉ có tiến mà không có lùi.
Sau trống trận là múa quyền, côn và các loại binh khí Tây Sơn – như hiện ra trước mắt hình ảnh nữ đô đốc Bùi Thị Xuân uy nghi, mạnh mẽ trên bành voi cầm quân, khiển tướng. Bài múa võ thật hay, hòa âm hưởng của nhạc võ Tây Sơn, một bức tranh sinh động của những người anh hùng áo vải, dựng cờ đào, thật không hổ danh với câu thơ lan truyền rất lâu: Ai về đất võ mà xem, con gái Bình Định múa roi đánh quyền… Trống trận Tây Sơn là một bản hùng ca bất hủ, hừng hực tinh thần thượng võ và hào khí Quang Trung – là một kho tàng văn hóa phi vật thể vô cùng quý báu của nhân dân ta…
Như Quỳnh ATPSOFTWARE