Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, dưới tấm bình phong là ngôi chùa lớn, vị trụ trì chùa Ba Vàng và người học trò đã khiến dân chúng sợ hãi, tin theo tà đạo đi ngược triết lý nhà Phật.
“Oan gia trái chủ”, “giải nghiệp tiền kiếp” là những khái niệm chùa Ba Vàng truyền bá, kêu gọi người dân thực hiện để đổi lại sự bình yên, an tâm trong cuộc sống. Sau hàng loạt bài báo, clip ghi lại cảnh sinh hoạt tâm linh tại đây, dư luận mới bàng hoàng nhận ra những gì đang tồn tại bên trong ngôi chùa trên núi có tòa chính điện lớn nhất Việt Nam này.
Trao đổi với Zing.vn, Thượng tọa Thích Nhật Từ, trụ trì chùa Giác Ngộ (TP.HCM), Trưởng khoa Triết học Phật giáo, Phó viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, khẳng định những hành vi trên của trụ trì Thích Trúc Thái Minh và bà Phạm Thị Yến là đi ngược lại giáo lý nhà Phật, thậm chí có thể coi là tà đạo.
Đánh tráo khái niệm, đi ngược giáo lý nhà Phật
Thầy Thích Nhật Từ cho biết trong Phật giáo nguyên thủy cũng như Phật giáo đại thừa, không có dòng kinh nào nhắc đến phương pháp “thỉnh oan gia trái chủ”. Theo căn cứ này, có thể khẳng định rằng phương pháp oan gia trái chủ là tà đạo.
Nếu phân tích kỹ, khái niệm “thỉnh oan gia trái chủ” đã sai lầm từ tên gọi. Thỉnh nghĩa là mời gọi, rước về, oan gia có thể hiểu là kẻ thù, trái chủ là chủ nợ. “Chẳng có ai ngớ ngẩn đến mức mời gọi kẻ thù, chủ nợ của mình về để cầu phúc cả”, thầy Thích Nhật Từ nói.
Những người khởi xướng ra phương pháp này đã cố tình đánh tráo khái niệm, gieo rắc vào đầu những người thiếu hiểu biết về Phật giáo rằng trong tiền kiếp, mình có oan trái, thù hằn với những “vong hồn” này nên kiếp này phải trả nợ mới có thể an yên. Nếu không trả hết nợ tiền kiếp, người tới làm lễ sẽ bị đeo đuổi, trả thù đến nhiều kiếp sau.
Vị Thượng tọa nhấn mạnh thứ tà đạo trên hoàn toàn đi ngược lại với các giáo lý, triết lý nhà Phật, vốn rất khoa học, có những giá trị thực tiễn và đề cao sự bình an trong tâm hồn của mỗi người.
Khi người dân chưa hiểu biết nhiều về phật giáo, dưới tấm bình phong là ngôi chùa lớn, vị trụ trì và người học trò khiến dân chúng sợ hãi, tin theo, từ đó dẫn dắt làm những mục đích khác như đóng tiền gọi vong, thỉnh oan gia trái chủ. Trước hết, trên phương diện đạo đức, đó là sự lừa dối lòng tin của hàng nghìn, hàng vạn người.
Trụ trì Thích Nhật Từ phân tích: “Việc tồn tại của thế giới tâm linh không riêng gì Phật giáo mà hầu hết tôn giáo hiện nay đều thừa nhận, nhưng không thể vin vào cớ đó để nói việc “thỉnh oan gia trái chủ là đúng đắn. Đạo Phật thừa nhận có cảnh giới của vong linh nhưng đạo Phật không khuyên, xúi giục người ta việc thỉnh linh hồn, ma quỷ về”.
Lừa đảo có tổ chức
“Việc nhà chùa thu tiền, ép đóng tiền, gửi tiền qua tài khoản của người đến trục vong, làm lễ, ‘thỉnh oan gia trái chủ’ đã vi phạm những giáo điều cơ bản mà đức phật truyền lại”, trụ trì Thích Nhật Từ giảng giải.
Việc “phụng sự nhân sinh” là điều cơ bản nhất trong giáo lý nhà Phật mà những người tu hành phải đặt lên hàng đầu. Mục đích cao cả cuối cùng của người tu hành là tìm ra con đường chính đạo, tạo phúc, an lành cho muôn dân.
Đạo phật chân chính dạy con người ta mở lòng từ bi, giúp đỡ mọi người không vụ lợi, không tư lợi cá nhân. Bởi vậy, mọi việc cúng bái, làm lễ nhà chùa làm cho dân chúng đều không có mức giá cụ thể, mà kêu gọi người dân phát tâm tùy công đức.
Trong sự việc của chùa Ba Vàng, dân chúng đã đóng số lượng tiền lớn để mua chuộc, tìm kiếm sự bình an từ những người đứng đầu nhà chùa. Điều này khiến những người tới hành lễ không khác gì một nạn nhân bị lừa gạt bởi những lời lẽ ma mị hù dọa gây hiểu lầm sợ hãi mà phải bỏ ra hàng triệu đồng.
Đứng từ phương diện xã hội lẫn góc nhìn Phật học, có thể phân tích hành vi trên là sự lừa dối, hăm dọa nhằm vòi vĩnh tiền.
“Bằng những các dàn dựng khác nhau, họ đã kiếm tiền trên nền tảng là nỗi sợ hãi của dân chúng. Đó là một sự lừa đảo tinh vi, có tổ chức”, thầy Từ khẳng định.
Những phát ngôn không thể chấp nhận
Phó viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM nói rằng ngoài những thủ đoạn được dàn dựng tinh vi, vi phạm giáo lý nhà Phật và đạo đức xã hội, hai thầy trò trụ trì Thích Trúc Thái Minh và bà Phạm Thị Yến còn có những lời nói không đúng với phong cách, đạo đức nhà Phật.
Những điều bà Yến nói như “các anh hùng sống vào thời chiến do nghiệp của kiếp trước”, “nữ sinh giao gà tại Điện Biên bị hiếp, giết do tạo nghiệp từ kiếp trước, sát sinh” là không thể chấp nhận.
Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, bà Yến đã xúc phạm tới vong linh người đã mất, xát muối vào nỗi đau của người nhà nạn nhân. Nghiêm trọng hơn, bà còn xúc phạm cả những người đã hy sinh vì Tổ quốc, gieo rắc vào đầu người dân những quan điểm, suy nghĩ lệch lạc, phi đạo đức, phi Phật giáo.
Thượng tọa Thích Nhật Từ nhận định khó có thể đánh giá tác động tiêu cực của sự lừa dối trên trong một ngày, một câu chuyện. Trước mắt, thứ tà pháp “thỉnh oan gia trái chủ” ảnh hưởng lớn tới tâm trí, thể chất, sức khỏe, các mối quan hệ xã hội của người dân.
Thứ tà pháp ấy hoàn toàn phi nhân quả, phi Phật học, phi khoa học. Ngoài ra, việc “thỉnh oan trái chủ” đã tiêu tốn lượng lớn công sức, thời gian, tiền bạc của rất nhiều người.
“Một nỗi sợ hãi, nhầm lẫn tai hại về bản chất cuộc sống được reo rắc cho không chỉ một vài mà rất nhiều người, sẽ có nhiều người tin rằng cuộc sống kiếp này đều do kiếp trước tạo nên”, Thượng tọa Thích Nhật Từ phẫn nộ.
Khủng hoảng niềm tin phật giáo
Trên phương diện Phật giáo, đây là một cuộc khủng hoảng truyền thông lớn của đạo Phật. Cuộc khủng hoảng này không do đạo Phật tạo ra mà do 2 nhân vật cụ thể là trụ trì Thích Trúc Thái Minh và bà Phạm Thị Yến gây nên.
“Thầy Thích Trúc Thái Minh với tư cách là trụ trì chùa Ba Vàng, một người tu theo phật pháp, chắc chắn thầy biết những điều trên là phi lý, phi Phật pháp nhưng tại sao vẫn chấp nhận nó như một sự lôi kéo phật tử từ khắp nơi tới chùa? Bởi vậy, người phải chịu trách nghiệm ở đây không chỉ một mình bà Yến”, thầy Thích Nhật Từ nhìn nhận.
Trụ trì chùa Giác Ngộ chia sẻ thêm dù 2 người trên có động cơ nào thì sự việc đã gây xôn xao dư luận nhiều ngày, gây mất niềm tin của người dân dành cho Phật giáo trên phạm vi rộng. Sau những gì xảy ra, người dân trở nên nghi ngờ người thầy nào tốt, người nào xấu, chùa nào vì muôn dân, chùa nào vì mục đích thương mại.
“Một ngôi chùa với quy mô lớn, đông đảo phật tử hành hương tới gây ra cuộc khủng hoảng như vậy, thử hỏi người dân còn biết nương tựa niềm tin vào đâu”.
Có thể bạn quan tâm: Câu chuyện thật sự về Kumanthong sau cái chết của cô gái nhảy lầu ở Quận 4 Tp.Hồ Chí Minh
Như Quỳnh- Nguồn Zing