Sau khi Báo Lao Động đăng tải phóng sự “Truyền bá chuyện vong báo oán, chùa Ba Vàng mỗi năm thu trăm tỉ”, thông tin vụ việc trục lợi từ các hoạt động thỉnh vong, gọi hồn tại chùa Ba Vàng, các nhà nghiên cứu văn hóa đã lên tiếng khẳng định điều này đi ngược với chính pháp.
Nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng: Ở chùa thỉnh vong, giải nghiệp là ngược với chính pháp
Có những người kinh doanh trên sự mê tín của người khác nên mới đưa chuyện vong linh ra hù dọa khiến người ta sợ hãi, phải bỏ tiền ra thỉnh vong, giải nghiệp. Trong chùa thì không được làm những chuyện như vậy. Trong đạo Phật càng không có quan niệm về số phận, mà cuộc đời mỗi người đều do chính nghiệp của mình quyết định nên.
Nhà Phật cho rằng vong hồn sau 49 ngày đã đầu thai chuyển kiếp, không còn can dự tới cõi trần nữa. Đạo Phật công nhận có thần linh, nhưng những đối tượng thần linh đó không quyết định tới số phận con người. Những thế lực đó bình đẳng với chúng sinh, cũng là một dạng chúng sinh mà thôi.
Nếu nhà chùa làm vậy thì không đúng chánh tín, điều đó đồng nghĩa là mê tín.
Ngay cả chuyện dâng sao giải hạn, người ta cũng đã nói từ nhiều năm nay mà không giải quyết dứt điểm. Dù chỉ thị của Giáo hội Phật giáo là không nên làm, không ít chùa vẫn tiến hành để thu hút đệ tử. Thậm chí, việc đó phải nhờ đến công nghệ xử lý, có chùa có đến vài chuyên gia vi tính nhập danh sách cúng giải hạn, sau đó ông thầy phải đọc tên của những người được giải hạn, đọc từ sáng tối tối chưa hết… Và mỗi mùa dâng sao giải hạn, chùa nhỏ cũng kiếm được 3-5 tỉ đồng…
Trước tình trạng này, nhà nước nên ra lệnh cấm. Ai vi phạm về trật tự công cộng, về tín ngưỡng văn hóa, ai lợi dụng lòng tin mù quáng để trục lợi… đều phải bị xử lý theo pháp luật.
Tuy nhiên, hiện tượng nói trên cũng chỉ ra rằng tình cảnh nước mình bây giờ có hiện tượng khủng hoảng về niềm tin, hư vô về pháp luật. Pháp luật chưa hoàn chỉnh, tư pháp chưa công minh cộng thêm thế lực của đồng tiền khiến không ít người ngộ nhận rằng nhiều tiền là có thể mua được luật lệ.
Không chỉ ở Quảng Ninh, ở TPHCM hay nhiều địa phương khác cũng rộ lên những chuyện vong nhập, cùng chung một “kịch bản”, cho rằng ân oán tiền kiếp lên đòi nợ, khiến thân chủ bị bệnh… Ở đây không có chuyện tâm linh gì hết. Từ tâm linh được hiểu sai theo nghĩa ma ma, Phật Phật. Trong khi khái niệm tâm linh nêu bản chất con người là hướng thượng, hướng đến chân thiện mỹ, chứ không phải chìm đắm trong huyền hoặc, ma quỷ.
GS.TSKH Vũ Minh Giang: “Mặc áo cà sa, chưa chắc tâm Phật”
Tôn giáo một phần đáp ứng được nhu cầu của người dân, bởi lẽ, mỗi người đều có đức tin, vì vậy có tín ngưỡng; lòng tin sẽ giúp cho người dân sống tốt hơn, tôn trọng nhau, làm những điều thiện đức. Đó là những mặt tích cực.
Khi cuộc sống của người dân gặp trắc trở, đau khổ, tín ngưỡng sẽ giúp cho họ có thêm sự lạc quan để sống thì không phải việc đáng trách, chỉ đừng nên để cho bản thân trở thành cuồng tín.
Tuy nhiên, nếu không cẩn thận, sẽ dễ để những người khác lợi dụng lòng tin, khiến họ không suy xét được ở mức bình thường, vẽ ra một số chuyện khó thể tưởng tượng được như kiếp trước thế nào, ma ám vong đuổi, tương lai ra sao…
Tôi cho rằng, lợi dụng lòng tin để trục lợi là sai trái, là dung túng cho tội ác, có tính chất lừa đảo. Các cơ quản lý phải có trách nhiệm làm cho ra nhẽ, nên cần có Bộ Luật rõ ràng, xử phạt nặng những cá nhân lạm dụng tín ngưỡng của người dân để trục lợi. Không thể đồng nhất người làm tôn giáo chân chính với những kẻ chỉ biết lợi ích trước mắt.
Xem thêm: ‘Thỉnh oan gia trái chủ’ là đánh tráo khái niệm, lừa đảo có tổ chức
Như Quỳnh- Nguồn báo lao động