Hoạt động vận chuyển hàng hóa là một trong những hoạt động phổ biến trong xã hội hiện nay. Tuy nhiên, những rủi ro trong quá trình vận chuyển hàng hóa vẫn còn tồn đọng. Vậy nhận diện rủi ro trong hợp đồng vận chuyển hàng hóa như thế nào ? Hãy cùng giaitri.vn tìm hiểu
I. Tổng quan về hợp đồng vận chuyển hàng hóa
Hợp đồng vận chuyển hàng hóa là gì?
Theo Bộ luật dân sự Việt nam, hợp đồng vận chuyển hàng hóa là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển có nghĩa vụ chuyển tài sản đến địa điểm đã định theo thỏa thuận và giao tài sản đó cho người có quyền nhận, còn bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ trả cước phí vận chuyển.
Đàm phán hợp đồng vận chuyển hàng hóa
Khi ký kết hợp đồng vận chuyển hàng hóa, các bên lúc nào cũng muốn bên mình có lợi ích được nhiều hơn. Ðiều đó phụ thuộc rất nhiều ở tài đàm phán, thương thảo hợp đồng của các bên.
Mục tiêu của đàm phán là tìm ra một giải pháp mang lại lợi ích cho cả hai bên. Nhưng trên thực tế, chúng ta thường thấy, bên thuê dịch vụ vận chuyển luôn muốn trả giá thấp nhất, còn phía đối tác là bên cung ứng dịch vụ vận chuyển lại muốn được trả với giá cao nhất.
Bản chất của đàm phán đó là sự thương lượng, thỏa hiệp giữa hai bên nhằm hướng tới đạt được mục tiêu đặt ra. Từ đó, có thể định nghĩa khái quát, đàm phán hợp đồng vận chuyển hàng hóa là hoạt động trao đổi thông tin, nguyện vọng, mong muốn, các yêu cầu giữa các bên trong hợp đồng vận chuyển hàng hóa để đạt được sự cân bằng quyền và lợi ích đối kháng trên cơ sở hai bên cùng có lợi.
II. Nhận diện rủi ro trong đàm phán, soạn thảo và thực hiện hợp vận chuyển hàng hóa
Khái niệm rủi ro là gì?
Rủi ro là một bất trắc cụ thể liên quan đến một số biến cố không mong đợi
Rủi ro trong đàm phán, soạn thảo và thực hiện hợp đồng vận chuyển hàng hóa là những bất trắc có thể xảy ra ngoài ý muốn trong quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng, gây thiệt hại cho bên vận chuyển, bên thuê vận chuyển hoặc cả 2.
Những rủi ro trong đàm phán hợp đồng vận chuyển hàng hóa
Rủi ro khi đàm phán: Phương thức đàm phán được sử dụng chủ yếu bao gồm: đàm phán trực tiếp, đàm phán giao dịch qua điện thoại, đàm phán giao dịch qua thư tín, tùy theo hình thức đàm phán giao dịch và sự thông thạo của người đàm phán mà các bên của hợp đồng có thể gặp những rủi ro cơ bản sau:
– Đối với hình thức giao dịch trực tiếp: Đó là sự thiếu hiểu biết về đối tác, chưa chuẩn bị đầy đủ các tư liệu cần thiết có liên quan, thiếu kỹ năng, nghệ thuật đàm phán, thiếu kế hoạch đàm phán.
– Đối với đàm phán giao dịch qua điện thoại: các bên có thể gặp rủi ro do ngôn từ sử dụng không rõ ràng, gãy gọn, kém linh hoạt, đôi khi sự không lịch thiệp trong giao tiếp có thể làm cho các bên mất đi một hợp đồng có giá trị sinh lợi lớn hay một khách hàng.
– Đối với đàm phán giao dịch qua thư tín: đó là sự chuẩn bị kém về nội dung, hình thức làm cho khách hàng có sự nhầm lẫn về ngôn ngữ hay nội dung mà bên vận chuyển muốn truyền tải do sự khác biệt về văn hóa, tập quán kinh doanh đối với khách hàng ở nơi khác đến có thể là khách nước ngoài.
Đàm phán là hành vi hay quá trình, trong đó các bên tiến hành thương lượng, thảo luận về các mối quan tâm chung và những điểm bất đồng, để đi đến 1 thỏa thuận thống nhất.
Các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình đàm phán vì những nguyên nhân:
– Thiếu thông tin của đối tác; môi trường văn hóa, chính trị – pháp luật;
– Chuyên môn yếu: người tham gia đàm phán không được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn về vấn đề thương thảo;
– Ngoại ngữ yếu khi tham gia đàm phán thương mại quốc tế; Không hiểu biết đầy đủ về hàng hóa – dịch vụ – công việc giao kết;
– Kỹ năng đàm phán, kỹ năng giao tiếp: không khéo léo trong việc đàm phán với đối tác.
Những rủi ro trong soạn thảo hợp đồng vận chuyển hàng hóa
Rủi ro khi soạn thảo: Quá trình soạn thảo hợp đồng là một trong những khâu quan trọng, nếu chuẩn bị chu đáo thì các bên của hợp đồng có thể phòng ngừa và hạn chế được những rủi ro khác nhau trong quá trình thực hiện hợp đồng. Những rủi ro thường gặp trong khâu soạn thảo là không dẫn chiếu các tập, văn bản pháp luật có liên quan, thiếu những điều khoản cần thiết của hợp đồng, đặc biệt là các điều khoản bảo vệ quyền lợi cho các bên như điều khoản về đăng ký bảo hiểm, điều chỉnh giá của hợp đồng có thời gian thực hiện dài, giao hàng, thanh toán, giải quyết tranh chấp… không đưa những thỏa thuận vào trong đàm phán, ngôn từ sử dụng không rõ ràng.
Rủi ro trong quá trình ký kết hợp đồng: quá trình ký kết thường xảy ra rất ít rủi ro đối với các bên ký kết hợp đồng ngoại trừ những nhân tố tiêu cực. Tuy nhiên các bên của hợp đồng có thể gặp phải các rủi ro sau: không kiểm tra lại các điều khoản trong hợp đồng, không đối chiếu các khoản đã đạt được cũng như không kiểm tra phụ lục của hợp đồng.
Soạn thảo hợp đồng là một bước rất quan trọng, chẳng thế mà người ta quan niệm bên nào được quyền soạn thảo hợp đồng – bên ấy chiếm ưu thế. Tuy nhiên, hợp đồng cũng là con dao hai lưỡi, nếu bất cẩn, bên soạn hợp đồng cũng phải gánh chịu những rủi ro, thậm chí là rủi ro rất lớn.
Rủi ro trong quá trình soạn thảo hợp đồng thường gặp gồm những rủi ro:
– Rủi ro do thiếu thẩm định năng lực tài chính, uy tín của đối tác;
– Rủi ro do vô hiệu hợp đồng (vô hiệu về hình thức và nội dung);
– Rủi ro do các điều khoản của hợp đồng không chặt chẽ;
– Rủi ro do thỏa thuận điều khoản về giải quyết tranh chấp;
– Rủi ro do không am hiểu thông lệ kinh doanh quốc tế khi soạn thảo hợp đồng thương mại quốc tế;
III. Tổng kết
Cùng với sự phát triển của hoạt động vận chuyển thì những rủi ro trong hợp đồng vận chuyển hàng hóa liên quan đến quá trình đàm phán và soạn thảo hợp đồng phát sinh ngày càng đa dạng. Rủi ro trong đàm phán và soạn thảo hợp đồng vận chuyển hàng hóa là không thể tránh khỏi. Quan trọng, các bên nhận diện trước được rủi ro và phòng tránh.
Tham khảo thêm các bài viết về nghiệp vụ pháp lý và các loại hợp đồng tại MISA AMIS được viết bởi luật sư Nguyễn Xuân Nhất, người đã có rất nhiều năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực luật kinh tế, luật lao động, …