Tết là dịp để cả gia đình đoàn tụ, sum họp, quây quần bên nhau. Tết sắp đến, nhà nhà người người nao nức chuẩn bị đón tết. Nào quần áo mới, nào dọn dẹp lại nhà cửa, và đặc biệt không quên chuẩn bị những món ăn ngày tết thật thơm ngon và hấp dẫn. Bài viết này sẽ đưa ra những món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày tết ở miền Nam, cùng xem nhé.
Món ăn ngày tết: Bánh tét
Tết ở miền bắc thì không thể thiếu bánh chưng, còn miền Nam thì lại không thể thiếu đòn bánh tét. Bánh tét miền Nam có hai loại chính là bánh tét nhân mặn và nhân ngọt. Nhân mặn ngoài loại có đậu và thịt mỡ truyền thống, nhiều nhà gói bánh tét còn có trứng muối, lạp xưởng…cho nhiều khẩu vị khác nhau. Trong khi đó bánh tét nhân ngọt phổ biến với nhân chuối, đậu đỏ, đậu xanh…
Bánh Tét miền Nam, nhất là miền Tây nam bộ trông rất bắt mắt, ngoài cách gói vuông vức, chắc đẹp, nếp nấu bánh còn được nhuộm màu rau ngót, lá cẩm để tạo nên màu sắc nổi bật và hấp dẫn. Một địa phương nổi tiếng với món bánh tét thập cẩm rất đẹp và ngon miệng là Trà Vinh với Bánh tét Trà Cuôn.
Thịt kho hột vịt nước dừa
Trong vô số các món ăn ngon tại miền nam thì món ăn ngày Tết truyền thống nổi tiếng nhất có lẽ chính là thịt kho hột vịt, nước dừa. Những ngày giáp Tết, bên cạnh công việc nấu bánh tét thì các hộ gia đình nam bộ còn hay chuẩn bị một nồi thị kho nước dừa to để ăn vào những ngày này. Thịt kho hột vịt trông rất hấp dẫn, dễ ăn và rất ngon miệng. Nếu bạn muốn thưởng thức món này mà không cảm thấy ngấy thì bạn có thể ăn món này thường ăn kèm dưa giá.
Dưa giá
Dưa giá là món dưa muối rất được ưa thích vì tính mát, vị giòn ngon của nó. Dưa giá ăn với cơm, cuốn bánh tráng nhưng thích hợp nhất vẫn là ăn kèm thịt kho hột vịt trong mấy ngày Tết vì tác dụng giải ngấy rất hiệu nghiệm. Thành phần trong món dưa giá gồm giá, hẹ, cà rốt, rất bổ dưỡng cho cơ thể. Món này có thể muối xổi hoặc muối kỹ.
Canh khổ qua nhồi thịt
Với mỗi gia đình miền Nam thì món canh khổ qua nhồi thịt là một món ăn thường ngày quen thuộc. Và đây cũng là món ăn ngày Tết truyền thống với ý nghĩa đẩy lùi những khổ đau, khó khăn đi qua. Không những thế, đây cũng là món ăn bổ dưỡng giải nhiệt cơ thể trong những ngày Tết.
Lạp xưởng
Một trong những món phổ biến ở miền Nam mà bất kì ai cũng biết đến đó là món lạp xưởng. Cứ mỗi khi Tết, nhu cầu tìm mua lạc xưởng không thể thiếu trong mâm cơm người dân Nam bộ. Với rất nhiều loại lạp xưởng từ tươi, khô, nạc, tôm, cá…
Lạp xưởng có thể chế biến bằng nhiều cách như luộc, chiên, nướng trước khi ăn. Một trong những cách mà được nhiều người ưa chuộng là chiên bằng nước (không dùng dầu), vừa ngon mà còn an toàn cho sức khỏe.
Củ kiệu tôm khô
Miền Nam cũng chuộng củ kiệu như miền Trung, nhưng đặc biệt củ kiệu ở miền Nam không ăn với bánh tét, mà thường ăn kèm tôm khô thành một món riêng. Củ kiệu được ngâm chua ngọt, khi ăn kèm tôm khô, rắc thêm miếng đường cát, món ăn có đủ vị giòn, dai, mặn, ngọt, hăng, nhâm nhi vừa ngon lành thú vị.
Gỏi gà xé phay
Được xem là một món ăn ngày tết mang đặc trưng của miền Nam. Gỏi gà xé phay sẽ là một món ăn không thể thiếu trong bữa cơm ngày tết. Món ăn này có vị chua ngọt lại chế biến tuyệt ngon chứa nhiều chất dinh dưỡng mà ai ăn cũng ghiền. Bạn có thể ăn thoải mái mà không lo sẽ tăng cân khi thưởng thức món ăn này thế nên nó là một món ăn đặc biệt mà gia đình nào cũng thích mê.
Mâm ngũ quả ngày tết: “Cầu sung vừa đủ xài”
Đối với người miền Nam, thể hiện đúng theo tính cách bình dị, dân dã, mộc mạc, chân chất, mâm ngũ quả được bày theo triết lý “Cầu sung vừa đủ xài” tức là Cầu sung túc vừa đủ xài trong năm mới, không cầu cao sang, phú quý, tiền tài mà chỉ cầu sung túc, ấm no mà thôi, mà câu sung túc cũng không cầu “nhiều” chỉ cần “đủ” mà thôi.
Ứng với đó, các loại quả thường được bày trên mâm ngũ quả người miền Nam sẽ là Mãng cầu (Cầu), Dừa (vừa), Đu đủ (đủ), Xoài (xài). Ngoài ra, còn bày thêm dứa – cầu con cháu đông đúc (dứa có nhiều mắt con), và dưa hấu – cầu một năm mới nhiều may mắn (xanh vỏ đỏ lòng) cho cả gia đình và người thân.