Trước sức nóng của ca khúc “Độ ta không độ nàng”, là một phật tử, ca sĩ Phương Thanh đã cover lại ca khúc này với nghĩa hoàn toàn ngược lại. Phiên bản “Tự thân nàng hãy cứu độ nàng” đang nhận được sự hưởng ứng của nhiều khán giả….
Trong khi ca khúc “Độ ta không độ nàng” (nhạc Hoa- lời Việt) đang làm mưa làm gió trên mạng xã hội thì ngày 12/6, ca sĩ Phương Thanh đã tung bản thu âm chính thức ca khúc “Tự thân nàng hãy cứu độ nàng”.
Ca từ của ca khúc này hoàn toàn ngược lại với bản gốc lời Việt “Độ ta không độ nàng”.
Nếu như lời dịch từ bản gốc tiếng Hoa viết: “Phật ở trên kia cao quá/Mãi mãi không độ tới nàng”… thì ca khúc của Phương Thanh có lời ngược lại: “Phật ngự tòa uy nghi quá/Cứu giúp nhân sinh khổ nạn/Đời người còn si, dục, tham/Cứ mãi không buông xác phàm…”.
Tiếp đó, “Mộng này tan theo bóng phật/Trả lại người áo cà sa/Vì sao độ ta không độ nàng?”… được viết lại theo tinh thần phật pháp đúng nghĩa: “Lòng này bám chấp vì đâu/Muốn thoát xin hãy quay đầu/Nguyện lòng nương theo Đức Phật/Giữ gìn manh áo cà sa/Tự thân nàng hãy cứu độ nàng”.
Với những tâm tư vương vấn “tiếng mõ xưa rối loạn” thì bản cover của Phương Thanh sửa lại là: “Cuộc đời nay mai hợp tan/Tiếng mõ câu kinh chớ loạn/Bồ đề chuyên tâm hỡi nàng/Hồng trần thoáng chốc rồi qua/Oán tình xin đừng tiếp/Phàm trần này đâu mãi đâu/Nguyện thầm tay chuông tay mõ/Phá nát si mê cõi đời/Hỉ nộ ái ố sẽ qua/Cố tĩnh tâm hơn nhé nàng/Lạy phật con xin kiếp này/Ngày ngày chánh pháp tịnh tu/Tự thân nàng hãy cứu độ nàng”…
“Tự thân nàng hãy cứu độ nàng” có phần lời đã được Thanh thay đổi cho đúng với ý nghĩa Chánh Pháp của sư thầy Thích Đồng Hoàng, Hoàng Kim biên soạn”, nữ ca sĩ chia sẻ. Ngay khi có lời lúc 11 giờ đêm hôm trước, ngay trong đêm đó ca khúc đã được biên soạn lại và ngày hôm sau làm nhạc, thu âm, chỉnh sửa master, hôm nay “Tự thân nàng hãy cứu độ nàng” chính thức ra mắt.
Xem thêm: Tổng hợp những phim Bom Tấn hay nhất mọi thời đại
Theo Phương Thanh, sự chỉnh sửa này là để cho đúng với ý nghĩa và quan điểm về triết lý nhân sinh của Phật giáo. Với pháp danh Nguyên Hương, Phương Thanh thể hiện ca khúc này không chỉ với tư cách một ca sĩ, mà còn với tất cả sự thành kính của một phật tử.
Ngay sau khi vừa đăng tải trên kênh mạng xã hội, bản thu “Tự thân nàng hãy cứu độ nàng” của Phương Thanh đã thu hút hàng nghìn lượt nghe, đông đảo lượt yêu thích và bình luận.
Nhiều khán giả cho rằng đây là ca khúc hay, bày tỏ sự hưởng ứng trước bản chỉnh sửa lời ca khúc được cho là thấm nhuần tư tưởng Phật giáo.
Trước sự đón nhận của mọi người, Phương Thanh hào hứng chia sẻ thêm, chắc do nhân duyên thiện lành nên hiện tại cô đã có 5 bài hát về Phật giáo rất hay, trong đó có “Tự thân nàng hãy cứu độ nàng”
Được biết, có rất nhiều phiên bản lý giải cho cái tên ca khúc nhạc Hoa “Độ ta không độ nàng”. “Độ ta không độ nàng” được cho là bắt nguồn từ một truyện ngôn tình rất ngắn từng gây sốt mạng internet Trung Quốc, kể về chuyện tình oan trái giữa một nhà sư và nàng quận chúa có tên gốc “Độ tôi, không độ cô ấy”.
Nội dung truyện kể về câu chuyện tình buồn giữa một nhà sư và quận chúa xinh đẹp. Tuổi thơ của hai người lớn lên cùng nhau chính vì thế cô gái có tình cảm đặc biệt với nhà sư này. Thế nhưng, vì là người đã quy y cửa phật nên nhà sư không thể động lòng trước cô gái. Về sau, khi bị hoàng tử cưỡng bức, cô gái tự sát, nhà sư cũng vì thế mà uất hận.
Nhìn thi thể nàng trong bộ váy xuất giá, đầu đeo khăn voan đỏ, nhà sư hỏi Phật Tổ: “Người độ trăm vạn chúng sinh, nhưng vì sao độ ta, không độ nàng?” Cuối cùng, nhà sư giết chết tên hoàng tử bức chết người yêu rồi xuống âm phủ, đứng bên bờ Hoa Bỉ Ngạn gặp lại vong linh của nàng lần cuối cùng.
Sau khi truyện này gây sốt trên mạng thì được sản xuất thành một phim hoạt hình 3D ngắn, khiến “Độ ta không độ nàng” trở thành một trào lưu trên mạng xã hội.
Cũng có ý kiến cho rằng, ca khúc “Độ ta không độ nàng” lấy cảm hứng từ bộ phim “Bất phụ Như Lai bất phụ khanh” (Không phụ Như Lai không phụ nàng) từng gây sốt trên các diễn đàn 2 năm trước ở Trung Quốc. Phim được chuyển thể từ bộ tiểu thuyết ngôn tình nổi tiếng “Đức Phật và nàng” của Chương Xuân Di.
Tuy nhiên, theo tác giả ca khúc gốc Hoa – Cô Độc Thi Nhân thì ca khúc được lấy cảm hứng từ quãng thời gian tuổi thơ nghịch ngợm, anh được cha mẹ gửi tới chùa Thiếu Lâm Tự làm đệ tử. Sư phụ của anh là một người vô cùng lương thiện, đã rèn anh trở thành một con người có trái tim yêu thương. Ý nghĩa chính của ca khúc là tác giả hoài niệm về sự đơn thuần ngày nhỏ của mình…
Tại Trung Quốc, sức hút của ca khúc “Độ ta không độ nàng” vô cùng lớn. Trên một ứng dụng mạng xã hội xuất hiện hàng trăm bản cover ca khúc này.
Lời Việt ca khúc “Độ ta không độ nàng” được viết bởi Tuyên Chính. Ngay khi “gây sốt” tại Việt Nam, rất nhiều nghệ sĩ, bạn trẻ cũng “nhảy vào” cover lại ca khúc lời Việt. Có thể kể đến những giọng cover thành công như Anh Duy, Thiên An, Khánh Phương, Hương Ly, Đường Hưng…
Trong khi giới trẻ đang quay cuồng với trào lưu “Độ ta không độ nàng” thì cũng có những ý kiến trái chiều về nội dung ca khúc. Một số tăng ni, phật tử cho rằng nội dung ca khúc cũng như các bản chế có ảnh hưởng không tích cực tới những người tu hành…
Nguồn Dân Trí