Những lời tâm sự của chủ nhân tạo ra hình tượng “quái vật Momo” đã được trang tin The Sun ghi lại trong một cuộc phỏng vấn.
Những ngày gần đây, các luồng tin chủ đề về hình tượng Momo trên YouTube vẫn chưa thực sự chấm dứt, còn khiến nhiều người lo ngại về những tác động xấu xảy ra đối với người xem là trẻ em. Tuy nhiên, động thái mới nhất từ chính “cha đẻ” của Momo vừa được đăng tải hôm qua đã khiến cư dân mạng phải bất ngờ.
Như chúng ta đã biết, tạo hình của Momo thực chất là một bức điêu khắc của Nhật với tên gọi MotherBird, nhưng nguồn gốc và cả tác giả làm ra bức tượng MotherBird này hoàn toàn vô can đối với những cáo buộc hiện tại, dù cho thiết kế đó trông hơi đáng sợ đi chăng nữa. Tất cả là bởi một ai đó đã lấy hình ảnh MotherBird để làm ảnh đại diện và đưa vào các video của mình.
Chủ nhân làm ra MotherBird là nhà điêu khắc Keisuke Aiso (43 tuổi), sở hữu một xưởng chạm khắc ở ngoại ô Tokyo. Anh cho biết mình đang cảm thấy rất hối hận, tự nhận rằng những hậu quả xảy đến ngày hôm nay cũng có một phần trách nhiệm của mình vì đã để cho tác phẩm MotherBird bị biến tướng.
Aiso vẫn còn một biến thể của MotherBird, nhưng là một chiếc mặt nạ và đường nét có vẻ không sợ bằng nguyên tác gốc. (Ảnh: The Sun)
Dù vậy, trao đổi với The Sun trong một cuộc phỏng vấn nhanh, Aiso đã đưa ra một lời khẳng định chắc nịch, như một món quà trấn an mà anh gửi tới trẻ em toàn thế giới: “Không phải lo, Momo thực sự đã chết và bị tiêu diệt rồi.”
“Nó không còn tồn tại trên cõi đời này nữa, và cũng chưa bao giờ tôi có ý định giữ nó lâu dài cả. Mọi thứ về nó đã bị biến chất và tôi quyết định loại bỏ nó đi rồi. Các cô bé cậu bé hãy yên tâm, không có lời nguyền hay thế lực nào còn đe dọa được các em cả.”
Hóa ra, theo lời kể của Aiso, mẫu thiết kế MotherBird này đã được anh hủy kế hoạch phát triển vào cuối mùa thu năm ngoái, vứt bỏ toàn bộ thiết kế đi. Đó còn là lúc những vụ việc đầu tiên liên quan đến Momo chưa bị lợi dụng và phát giác – Aiso làm vậy chỉ là do quyết định chuyên môn vốn có của mình.
Hậu quả liên lụy không thể lường trước: Tác phẩm bị biến tướng, chủ nhân và đồng nghiệp bị dọa giết
Được biết, nguyên mẫu MotherBird đầu tiên được Aiso làm ra vào năm 2016, thậm chí còn được đặt trưng bày trong một triển lãm mỹ thuật ở Tokyo. Có lẽ đó là lúc những hình ảnh về MotherBird được chụp và lan truyền dần trên Internet, khiến những kẻ nào đó nhìn thấy và lấy đó làm hình tượng đi “đầu độc” trẻ em như hiện tại.
Các video gốc có hình tượng MotherBird bị biến tướng thành Momo (hiện đã bị xóa hết và kiểm duyệt trên YouTube) có giọng nói lồng tiếng được chỉnh sửa bằng phần mềm để không nghe giống tiếng người thật tự nhiên, theo sau là các lời chỉ dẫn kèm đe dọa nếu như không làm theo những gì chúng bảo. Những đối tượng người xem là trẻ em sẽ dễ bị ảnh hưởng nhất vì tâm lý chưa vững, vừa sợ hãi vì hình ảnh hiện lên về Momo, vừa hoảng loạn vì lời nói trong đó.
Về phần Aiso, anh cho biết mình cũng cảm thấy khá bối rối trong tình thế này. Dù tức giận vì tác phẩm của mình bị đem ra làm cho biến chất, nhưng bất đắc dĩ nó cũng đã khiến MotherBird nổi ầm ầm trên thế giới nên một phần nào đó, Aiso lại thấy một chút hứng khởi vì nhiều người biết về MotherBird hơn.
“Một mặt thì tôi dính nhiều rắc rối do là tác giả gốc của MotherBird, nhưng với tâm lý của một nghệ sỹ thì việc tác phẩm đó gây ấn tượng mạnh với nhiều người, bằng cách này hay cách khác, cũng là một điểm tác động đáng kể tới tôi,” Aiso chia sẻ. “Tôi nghĩ tôi cũng đang có một chút ‘biết ơn’ về vụ scandal này. Bạn biết đấy, tôi đã làm MotherBird ra được 3 năm rồi, và dù có được đi triển lãm nhưng chẳng ai mảy may đoái hoài tới nó khiến tôi thật sự thất vọng. Ít nhất thì hiện giờ nó cũng đang được nhiều người để ý.”
Tất nhiên, Aiso cũng nhận thức rõ đó chỉ là cảm xúc một chiều, vì mọi thứ đằng sau vẫn là một mặt tối mà hiếm ai chấp nhận được để dung túng. “Cách nó bị sử dụng lại rất tiêu cực và khiến nhiều người tức giận. Nhất là trẻ em, chúng dễ bị ảnh hưởng rất nhiều và tôi cũng có một phần trách nhiệm trong việc này. Mọi thứ vượt ngoài tầm kiểm soát của tôi, còn xảy ra chủ yếu ở nước ngoài. MotherBird không phải tác phẩm tôi dồn nhiều tâm huyết, nên đây cũng là thứ khiến tôi hơi choáng ngợp…”
Aiso cũng thừa nhận tạo hình mình làm ra cho MotherBird đáng sợ và dễ gây giật mình. Lý do anh nghĩ ra thiết kế MotherBird là dựa theo câu chuyện ma của Nhật Bản, về một người mẹ đã lìa đời trong lúc hạ sinh con gái, và rồi đứa con của bà đã biến thành một quái vật nửa chim nửa người để ám vùng đất đó. Ngoài ra, anh cũng được nhiều show truyền hình đặt hàng MotherBird, với mục đích chính là hù dọa người chơi nên Aiso phải làm nó trông càng ám ảnh càng tốt.
“Nhưng tôi không bao giờ chủ đích nghĩ tới hậu quả sẽ xảy ra như ngày hôm nay, khiến nhiều trẻ em bị hoảng sợ và bắt nghe theo lời lồng tiếng từ chúng. 6 tháng trước tôi có đọc được tin về Momo ở Nam Mỹ, đó là 1 tuần sau khi tôi đã vứt bỏ thiết kế MotherBird rồi. Tôi không hề hối tiếc gì cả.”
Bất ngờ nhất, Aiso cho biết một nữ tác giả khác cùng chuyên môn với anh lại vô tình bị hiểu nhầm là người làm ra tạo hình MotherBird này, thậm chí cô ấy phải nhận rất nhiều lời đe dọa và các tin nhắn khủng bố tinh thần sau khi vụ việc về Momo vỡ lở trên Internet.
“Thật sự rất đáng tiếc khi cô ấy phải chịu những điều tiếng vì hiểu lầm, và giờ thì nhiều người cũng biết tới thông tin chính xác rằng tôi là chủ nhân của MotherBird và đang quay sang nhắn tin dọa nạt tôi nữa. Họ còn nói sẽ giết tôi và tôi nên chết đi – bằng cả tiếng Anh và tiếng Nhật.”
Trang tin The Sun cũng thử liên hệ với Triển lãm Vanilla ở nội thành Tokyo – nơi từng tổ chức buổi trưng bày tác phẩm MotherBird. Họ sẵn sàng trao đổi về những thông tin liên quan trong quá khứ và cả những ảnh hưởng tới ngày nay.
Yoko Taguchi – nhân viên làm trong triển lãm cho biết: “Thông thường cứ mỗi mùa hè, chúng tôi sẽ mở một buổi trưng bày các tác phẩm có chủ để về truyện ma Nhật, năm 2016 là lúc Aiso mang MotherBird đến. Theo luật, mọi người đến xem không được chụp ảnh, nhưng năm đó MotherBird được chọn đặt ở gần lối đi, và chúng tôi là cho phép khách có thể chụp ảnh với nó. Mọi người cũng rất sốc khi biết tin MotherBird bị biến thành Momo và sử dụng cho mục đích hiện tại trong các video tiêu cực.”
Cuối cùng, anh cũng nhận định đó có thể là lý do khiến cho một vài tác giả cùng đem trưng bày tác phẩm ngày hôm đó bị nhận nhầm là chủ nhân MotherBird, để rồi phải chịu nghe điều tiếng búa rìu của dư luận dù mình hoàn toàn vô can.
Nguồn: The Sun, Kenh14