Cùng là bún riêu, nhưng với nền ẩm thực của 2 miền sẽ khiến món ăn này có đặc trưng riêng. Hãy xem bún riêu miền Nam và bún riêu miền Bắc có gì khác nhau
Đến với miền Bắc, ắt hẳn khi nhắc đến bún riêu, ai ai cũng cũng ngay tới tô bún riêu cua nóng hổi với những miếng cà chua đỏ ửng, lớp gạch cua thơm ngon, một chút hành khô rắc bên trên và còn điểm thêm màu vàng của đậu rán.
Để nấu một bát bún riêu đúng kiểu miền Bắc, nguyên liệu chủ yếu là cua đồng. Cua được giã nhỏ rồi cho vào nước bóp nhẹ, sau đó lọc thật kỹ, gạn nước vào nồi, đun lửa liu riu cho tới khi riêu cua nổi lên thành từng mảng. Nồi nước dùng này thật không thể ngon nếu thiếu đi màu đỏ của cà chua. Mà cà chua cho bún riêu phải là cà chua thái múi cau nhé! Rồi thì vị chua thanh nhẹ của mẻ hay của giấm bỗng, và vị đậm đà của mắm tôm nữa. Cà chua thường được xào lên để lấy màu đỏ thật tự nhiên mà hương vị lại thơm ngon, mẻ và mắm tôm cũng được cho một cách chừng mực, sao cho vừa đủ thơm, vừa đủ thanh, vừa đủ đậm cũng là cả một nghệ thuật. Và đi kèm với bát bún riêu miền bắc đó, không thể không thiếu chút rau ghém, sẽ thường gồm có: rau xà lách, tía tô, canh giới.. thái nhỏ cùng vài cọng rau muống chẻ, thân chuối non thái lát. Ở Hà Nội, mỗi khi người ta thèm một cái gì đó thanh đạm, mát bổ, lại thường tìm đến với bún riêu cua, món ăn dễ ăn lại thanh tao, giản dị!
Theo các tài liệu nghiên cứu cho thấy: Bún riêu vốn là món ăn xuất thân từ xứ Bắc, sau đó mới lan rộng đi khắp nơi. Trên con đường Nam tiến, món ăn này đã thay đổi không ít để phù hợp với khẩu vị của con người nơi đây. Thay vì dùng mẻ, người miền Nam thường cho vào nồi nước dùng một tô nước me pha sẵn, hoặc cho trực tiếp khi ăn. Họ còn dùng thêm hạt điều để nước lèo có màu tươi đỏ đẹp mắt nữa.
Và nếu như lớp riêu cua trong bát bún riêu xứ Bắc vừa mềm, xốp lại thơm vị cua đồng và chỉ chế biến từ gạch cua, thân cua giã thì riêu cua của xứ Nam cũng đã khác đi nhiều. Lớp riêu cua thường được ép thành bánh dày, chắc nịch, pha thêm lòng đỏ trứng và có cả thịt băm để lớp riêu dày dặn hơn mà vẫn giữ được độ xốp, mềm. Rồi khi ăn, người ta mới xắn từng muỗng xếp vô tô bún cùng chút tiết heo mềm, dao heo dai, đậu chiên giòn, chả lụa, chả chiên, chả cá và giò heo. Dường như một tô bún riêu của người miền Nam đã “đông đúc” hơn nhiều so với tô bún riêu xứ Bắc. Cũng bởi thế mà món bún riêu giản dị và bình dân ấy nhiều khi cũng chẳng hề “bình dân” như người ta vẫn nghĩ.
Bún riêu miền Nam cũng có nhiều biến tấu phong phú, nào bún riêu ốc, bún riêu tôm nữa. Bún riêu ốc thường dùng loại ốc mít tròn để tô bún thêm giòn ngon đậm đà, cái lạ của bát bún riêu ốc là thực khách dường như được thưởng thức sự kết hợp hài hòa của bún ốc miền Bắc và bún riêu miền Nam, hòa quyện với nhau đậm đà đến từng sợi bún. Trong khi đó, nếu thưởng thức bún riêu tôm khô, bạn sẽ thấy lẫn trong miếng riêu cua thi thoảng lại thấy cái gì đó xam xảm, vị mằn mặn ấy chính là tôm khô được chế thêm vào tô bún riêu.
Một bát bún riêu tuy giản dị là vậy. Nhưng trong đó chứa đựng biết bao tinh hoa, tinh tế của người Việt. Một món ăn hài hòa từ hương đến sắc. Vị của nó là sự kết hợp hoàn hảo của vị cua mộc mạc, cà chua dìu dịu, mắm tôm nồng đậm, hành hoa, giấm bỗng… Một món ăn ngon, thanh đạm chỉ có ở riêng đất Việt. Một món ăn cũng đáng tự hào đúng không các bạn.