Những cặp vợ chồng hiếm muộn khi đi khám thường có tâm lý e ngại hoặc gặp khó khăn khi chia sẻ về tình trạng bệnh với bác sĩ, khiến quá trình chẩn đoán gặp nhiều khó khăn. Thấu hiểu được tâm lý đó, bài viết dưới đây sẽ giúp các gia đình nắm bắt được những điều cần chuẩn bị trước khi đi khám hiếm muộn để giảm bớt căng thẳng và tiết kiệm thời gian nhất .
Chuẩn bị tinh thần
Quá trình khám hiếm muộn đặc biệt là lần đầu đi khám thường dễ khiến các vợ chồng căng thẳng, lo lắng. Do đó, điều quan trọng nhất là bạn và người đồng hành cần chuẩn bị tinh thần vững vàng. Đặc biệt hơn khi bước vào quy trình làm IVF, với nhiều bước thăm khám và thời gian thực hiện kéo dài lại càng đòi hỏi sự kiên nhẫn, tinh thần lạc quan và sức mạnh tinh thần từ cả hai vợ chồng.
Chuẩn bị tâm lý là điều quan trọng khi đi khám hiếm muộn
Các giấy tờ cần thiết
Việc chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ cần thiết sẽ giúp quá trình thăm khám diễn ra thuận lợi hơn, và tránh những rắc rối trong quá trình làm thủ tục. Các gia đình cần đáp ứng một số giấy tờ cơ bản bao gồm:
-
Hồ sơ y tế: Các kết quả xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị trước đây nếu có.
-
Giấy tờ cá nhân: Hộ chiếu hoặc căn cước công dân gắn chip
Đây chỉ là những giấy tờ phục vụ cho quá trình thăm khám hiếm muộn cơ bản, khi đã quyết định lựa chọn phương pháp tìm con (IUI hoặc IVF) thì cả hai sẽ phải thực hiện và chuẩn bị thêm một số giấy tờ, thủ tục:
-
Đăng ký kết hôn bản gốc: Đăng kí kết hôn bản gốc và bản photo công chứng không quá 6 tháng.
-
Ví dụ như thủ tục làm IVF sẽ yêu cầu gia đình điền thông tin và ký xác nhận một số đơn đề nghị, đơn cam kết theo quy định trong thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản…
Chi phí
Chi phí là một yếu tố quan trọng được cân nhắc hàng đầu khi đi khám hiếm muộn. Mỗi phương pháp điều trị hiếm muộn có mức chi phí khác nhau, tùy thuộc vào công nghệ sử dụng, cơ sở y tế và tình trạng hiếm muộn. Các gia đình có thể tham khảo những thông tin dưới đây:
-
Khám tổng quát và xét nghiệm: Bao gồm các xét nghiệm máu, siêu âm và kiểm tra sức khỏe tổng quát.
-
Chi phí điều trị: IUI (Intrauterine Insemination) sẽ có chi phí thấp hơn và thời gian thực hiện ngắn hơn so với IVF. Một chu kỳ IVF có thể tốn từ 80 – 100 triệu đồng, chưa kể các chi phí phát sinh và theo dõi sau điều trị.
-
Một số chi phí phát sinh khác: Chi phí ăn ở, đi lại, lưu trú, thuốc men và các thực phẩm bổ sung.
Chuẩn bị sẵn sàng tài chính sẽ giúp hành trình tìm con diễn ra suôn sẻ và thuận lợi hơn
Chuẩn bị sức khỏe
Chuẩn bị sức khỏe là bước không thể thiếu khi đi khám hiếm muộn. Để có thể thu được kết quả chính xác nhất, các vợ chồng nên lựa chọn đúng thời điểm để đi khám. Ngoài ra, một cơ thể khỏe mạnh sẽ tăng cơ hội thành công trong quá trình điều trị. Dưới đây là một số lời khuyên giúp bạn chuẩn bị sức khỏe tốt nhất:
-
Chế độ dinh dưỡng: Tăng cường bổ sung các loại rau xanh, trái cây và thực phẩm giàu protein, đồng thời tránh xa các thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn chiên rán, nhiều đường và chất béo bão hòa.
-
Tập thể dục: Duy trì thói quen tập thể dục đều đặn và lựa chọn các bài tập phù hợp với thể trạng của mình.
-
Tránh các thói quen xấu: Hạn chế sử dụng rượu bia, tiếp xúc với thuốc lá hoặc các chất kích thích khác.
-
Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Thường xuyên kiểm tra sức khỏe 6 tháng/lần để phát hiện và điều trị kịp thời các vấn đề sức khỏe có thể ảnh hưởng đến quá trình thụ thai.
Hành trình tìm kiếm con cái có thể gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với những cặp vợ chồng hiếm muộn. Việc chuẩn bị trước khi đi khám hiếm muộn là bước quan trọng giúp các vợ chồng tự tin và sẵn sàng hơn trong hành trình tìm kiếm con yêu.