Phía ông Vũ đã cung cấp hồ sơ cho rằng bà Thảo chỉ tham gia điều hành Trung Nguyên từ năm 2006. Bà Thảo cho rằng 2 vợ chồng kết hôn khi khởi nghiệp, bà lùi về sau cho “chồng tỏa sáng”.
Trong các phiên xử ngày 21/2, luật sư bảo vệ quyền lợi cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã tranh luận về hoàn cảnh gia đình và điểm xuất phát tạo lập tài sản chung của vợ chồng bà Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch Tập đoàn cà phê Trung Nguyên).
Việc xem xét công sức đóng góp của mỗi bên phải dựa vào thời điểm kết hôn và sự ra đời của Tập đoàn Trung Nguyên và các công ty trong hệ thống sau này.
Vợ chồng ông chủ Tập đoàn cà phê Trung Nguyên tranh luận nảy lửa tại tòa.
“Tôi cũng có công lớn, góp vốn xây dựng Trung Nguyên”
Theo tranh luận của luật sư, bà Lê hoàng Diệp Thảo vốn là lá ngọc cành vàng khi sinh trưởng trong một gia đình có điều kiện, cha mẹ kinh doanh lĩnh vực đá quý. Năm 1994, bà Thảo tốt nghiệp rồi làm việc ở Tổng đài 108 của Bưu điện tỉnh Gia Lai.
Vào thời điểm này, ông Vũ cũng cùng gia đình chuyển về M’drak, tỉnh Đắk Lắk sinh sống. Lúc này, ông chủ Tập đoàn Trung Nguyên có hoàn cảnh khó khăn.
Năm 1997, ông Vũ làm ăn thất bại, thua lỗ mất trắng toàn bộ vốn, công việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn mà ông Vũ và gia đình không quản lý được, chính bà Thảo đi đến quyết định kết hôn vào năm sau đó để ủng hộ ông phát triển sự nghiệp.
Sau khi kết hôn với ông Vũ vào năm 1998, bà Thảo nghỉ việc ở Bưu Điện, theo chồng vào TP HCM để lập nghiệp, mở cửa hàng cà phê đầu tiên tại số 587 Nguyễn Kiệm (Quận Phú Nhuận, TP HCM).
Một năm sau, hai vợ chồng mua lại căn nhà 268 Nguyễn Tất Thành, thành phố Buôn Ma Thuột và mua thêm 6 căn nhà bên cạnh để mở rộng kinh doanh thành Làng Cà phê Trung Nguyên như hiện nay. Vào thời điểm đó, ông Vũ cho xây một nhà máy lớn trên diện tích 5ha ở Khu công nghiệp Buôn Ma Thuột, vừa xây một nhà máy ở Thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Cho đến năm 2007, ông Vũ bất ngờ bãi nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc thường trực của vợ khỏi Tập đoàn Trung Nguyên. Lúc này, bà Thảo cũng đưa 3 con nhỏ qua Singapore sinh sống và mở Công ty Trung Nguyên Singapore cùng chuỗi cà phê.
Cuối năm 2009, bà Thảo quyết định về Việt Nam để tham gia quá trình thành lập CTCP Đầu tư Trung Nguyên và các công ty để tái cấu trúc thành Tập đoàn Trung Nguyên. Việc kinh doanh của Trung Nguyên thuận lợi, hồi tháng 10/2013, ông Vũ tổ chức đi thiền 49 ngày.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho rằng bản thân đã thật sự tin rằng chồng bị bệnh.
Luật sư của bà Thảo trình bày tại tòa: “Với diễn tiến khách quan theo dòng thời gian nêu trên, có thể khẳng định trong một chừng mực nhất định, bà Thảo có vai trò và công sức đóng góp không chỉ ngang bằng mà còn là chính yếu trong quá trình tạo lập, duy trì và phát triển thương hiệu cà phê Trung Nguyên”.
“Tôi cũng có công lớn, góp vốn cho anh Vũ làm những điều mong muốn khát khao, hướng anh đi từng bước từng bước để xây dựng nên thương hiệu Trung Nguyên. Bản thân tôi cũng là một doanh nhân danh tiếng cả trong nước lẫn trên thế giới”, bà Lê Hoàng Diệp Thảo giãi bày.
Bà Thảo cũng cho rằng: “Tôi phải nỗ lực lớn sau 20 năm chấp nhận lùi về sau, nghĩ chồng mình tỏa sáng thì mình cũng tỏa sáng… Một người là đại trượng phu sẽ cho vợ con tất cả, còn mình đi tạo lập cái mới”.
“Không phải của mình thì đừng nhận là của mình”
“Phải lấy mốc thời điểm tạo lập khối tài sản chung của hai vợ chồng từ khi nào. Quá trình này không đơn giản chỉ hướng đến công sức, giá trị của thương hiệu…
Một người phụ nữ làm nội trợ cũng tương xứng công sức của người chồng đang ra chiến trường, thương trường gây dựng. Đó là sự đánh giá ngang bằng, không thể chênh lệch”, luật sư Phan Trung Hoài (bảo vệ cho bà Thảo) nhấn mạnh về việc phân chia tỷ lệ tài sản.
Trong khi đó, luật sư Hoàng Hữu Nhân (bảo vệ quyền và lợi ích của ông Đặng Lê Nguyên Vũ) có tranh luận rằng tỷ lệ phân chia 70/30 là phù hợp.
Ông cho rằng, có căn cứ pháp lý để chứng minh thân chủ mình là người đầu tiên và duy nhất sáng lập và xây dựng thương hiệu Trung Nguyên. Trước hết là các giấy phép đăng ký kinh doanh do cơ quan quản lý nhà nước cấp cho Trung Nguyên từ ngày đầu thành lập.
Theo đó, Giấy phép đăng ký kinh doanh đầu tiên năm 1996 được cấp mang tên ông Đặng Lê Nguyên Vũ (ngoài ông Vũ đứng đơn xin phép kinh doanh còn có những người bạn đều là sinh viên).
Đăng ký thay đổi kinh doanh ngày 27/11/2000 ngoài ông Vũ thì Trung Nguyên bổ sung thêm thành viên ban quản trị là ông Đặng Mơ (cha ông Vũ) vừa là Ủy viên ban quản trị kiêm Phó Giám đốc Trung Nguyên Cà phê. Và lúc này vốn điều lệ tăng lên 3 tỷ đồng.
Ngày 2/10/2002, đăng ký thay đổi kinh doanh lần thứ 5, Trung Nguyên ngoài việc bổ sung vốn lên 14,4 tỷ đồng và thành lập chi nhánh ở xã Lộc An, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng thì Tập đoàn này cũng chỉ có 2 thành viên là ông Đặng Lê Nguyên Vũ và ông Đặng Mơ.
Đến ngày 2/12/2002 từ loại hình kinh doanh Hợp tác xã, Trung Nguyên Cà phê chuyển đổi lên Công ty TNHH Cà phê Trung Nguyên, vốn điều lệ 16 tỷ đồng. Thời điểm này thành viên của công ty vẫn không thay đổi.
Theo giấy tờ, ngày 12/4/2006, Công ty Cổ phần Trung Nguyên (tiền thân là Công ty TNHH Cà phê Trung Nguyên) được thành lập, bà Thảo mới chính thức là thành viên HĐQT.
Đến lần đăng ký thay đổi lần thứ 22 ngày 10/6/2014, với vốn điều lệ công ty là 2.500 tỷ đồng, bà Thảo chiếm tỉ lệ 28% cổ phần, ông Vũ chiếm 51%, ông Đặng Mơ chiếm 10%, Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên chiếm 9% và 1 cá nhân khác chiếm 2%.
Ngày 8/5/2006, Tổng Giám đốc Đặng Lê Nguyên Vũ ký QĐ 01/06/ QĐBN bổ nhiệm bà Thảo tham gia điều hành Trung Nguyên. Và cho đến ngày 13/4/2015, bà Thảo bị cách chức Phó Tổng Giám đốc.
“Việc bà Thảo cho rằng mình là người đồng sáng lập ra Trung Nguyên là không đúng”, luật sư Vũ nêu, khẳng định ông Vũ là người duy nhất sáng lập nên thương hiệu Trung Nguyên. Cũng trong quá trình xét xử, ông Vũ nhiều lần khẳng định:
“Trung Nguyên nếu nói ra là của gia đình này, linh hồn nó là của tôi. Cô bịa ra những điều không phải sự thật. Không ai giành của cô cả… Không phải của mình thì đừng nhận là của mình”.
Chiều ngày 25/12, việc giải quyết vụ án ly hôn này sẽ tiếp tục. HĐXX xem xét hồ sơ giấy tờ và diễn biến tại tòa, có thể sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng.
Như Quỳnh ATPSOFTWARE- Nguồn Trí thức Trẻ