Lần đầu tiên xuất hiện trên mặt báo sau 3 năm im ắng, ‘hot girl ống nghiệm’ Phạm Tường Lan Thy đã có những chia sẻ thẳng thắn quanh câu chuyện bị tố ăn cắp ý tưởng dẫn đến cái chết của người bạn thân.
Phạm Tường Lan Thy (sinh năm 1998, cựu học sinh trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM) là một trong 3 em bé Việt Nam đầu tiên được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Thành công này được xem là một bước tiến mới của nền y học nước nhà vào thời điểm đó.
Từ chuyện được ngợi khen ‘hot girl ống nghiệm’ đến việc bị miệt thị ‘tinh trùng khuyết tật’
Càng lớn càng xinh đẹp, lại đạt được nhiều thành tích đáng nể trong cuộc thi Sử cấp trường, cấp quốc gia khiến Lan Thy càng trở nên đặc biệt trong mắt mọi người. Vào cấp 3, cô nữ sinh tích cực tham gia các hoạt động nghệ thuật, các cuộc thi hoa khôi và để lại khá nhiều dấu ấn. Xinh đẹp, năng động, đa tài là những lời khen mà mọi người dành tặng Lan Thy lúc đó.
Tháng 3/2016, Lan Thy bất ngờ xuất hiện trong chương trình Đường lên đỉnh Olympia với vai trò thí sinh dự thi. Dù không đạt được kết quả như mong đợi nhưng ‘nụ cười tỏa nắng’ của cô nữ sinh lúc đó là đề tài bàn tán của rất đông người theo dõi. ‘Hot girl ống nghiệm’, ‘thành tựu y học’,… là những lời có cánh mà dân tình gửi đến Lan Thy.
Clip: Lan Thy và phần giới thiệu về bản thân tại chương trình Đường lên đỉnh Olympia tháng 3/2016 (Nguồn: Youtube)
Tháng 7/2016, khi kết thúc kỳ thi THPT Quốc gia môn Sử, Lan Thy đánh giá đề thi khá dễ và bản thân mình đã làm rất tốt. Điểm thi được công bố, nữ sinh này đạt 3,75 môn Sử khiến nhiều người ngỡ ngàng. Và, một lần nữa, cái tên Lan Thy trở thành tâm điểm bàn tán của rất đông thành viên mạng.
Tháng 8/2016, Lan Thy lên đường du học Nhật Bản sau khi nhận được suất học bổng toàn phần 4 năm, trị giá 280 triệu đồng. Từ thời điểm đó cho đến tháng cuối tháng 2/2019, Lan Thy rất ít khi xuất hiện trên mạng xã hội, những hình ảnh đăng tải trên trang cá nhân cũng thưa thớt dần.
Trước thời điểm thi Đại học 2 tháng, khoảng tháng 5/2016, mạng xã hội bùng nổ bài một bài viết tố Lan Thy ăn cắp ý tưởng, dẫn đến cái chết tức tưởi của bạn thân cùng trường cấp 3. Chưa hết, bài đăng này còn đề cập đến chuyện gian lận trong kỳ thi Sử cùng vấn đề xuất thân của Lan Thy.
Khi thành viên mạng dấy lên những tranh cãi kịch liệt với hàng loạt bình luận trái chiều về thực hư bài viết tố cáo kia, phía Lan Thy vẫn chưa một lần lên tiếng thanh minh dù có những thời điểm, trang cá nhân của cô bị ‘khủng bố’ dữ dội. Thậm chí, người lạ không quen biết còn dùng cả những từ khiếm nhã. Một trong những câu nói mà Lan Thy nhớ nhất là: ‘tinh trùng khuyết tật’.
Từ năm 2016 đến năm 2019, bài viết tố cáo Lan Thy (không có bằng chứng cụ thể) vẫn đều đặn được dân mạng chia sẻ mỗi năm 2 lần. Và đó cũng là những lúc mà cuộc sống của cô nữ sinh 9X có nhiều xáo trộn.
Ngày 28/2/2019, Lan Thy đã chia sẻ một bài viết khá dài lên trang facebook cá nhân, giải thích cặn kẽ 5 vấn đề mà thành viên mạng thắc mắc, trong đó có việc cô có ăn cắp ý tưởng, gián tiếp dẫn đến cái chết của người bạn thân. Tất cả đều kèm bằng chứng là ảnh chụp đoạn trò chuyện với người trong cuộc.
Bài viết của Lan Thy nhanh chóng nhận được sự quan tâm, bình luận của thành viên mạng. Nhiều người chỉ ra những kẽ hở trong phần lập luận của nữ sinh và nhanh chóng được cô phản hồi, giải thích.
Gặp Lan Thy vào buổi chiều Sài Gòn tháng 3 nắng gắt, cô nữ sinh nở nụ cười hiền, bảo rằng bản thân cảm thấy khá thoải mái, nhẹ nhõm sau quyết định chia sẻ toàn bộ nỗi niềm cất giữ suốt 3 năm qua.
Dân mạng ‘khủng bố’ bạn bè, tấn công website trường học ở Nhật
Chào Lan Thy, hôm nay gặp lại bạn, trông bạn vẫn xinh xắn như 3 năm về trước. Hiện tại, cuộc sống của bạn ở Nhật thế nào?
Mình du học Nhật được hơn 2 năm rồi. Sang đó, mình chỉ chuyên tâm học hành, ít khi sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là facebook. Những ngày không có tiết thì tranh thủ làm thêm hoặc họp nhóm các bạn bè ngoại quốc để trao đổi, chia sẻ những câu chuyện trong cuộc sống.
Mỗi ngày, mình đều video call về cho gia đình. Ba mẹ mình chỉ có mình là con, nên từ ngày đi du học, ba mẹ ở nhà cũng buồn và nhớ. Mỗi năm, mình về Việt Nam 2 lần, trong kỳ nghỉ hè và nghỉ đông. Mỗi lần về khoảng 2-3 tháng nên phần nào bù đắp được nỗi nhớ nhà, nhớ ba mẹ.
Hơn 1 tuần trở lại đây, bài viết giải đáp 5 thắc mắc mà thành viên mạng đồn đoán suốt 3 năm qua, quanh vụ việc bị tố ăn cắp đề tài, gián tiếp dẫn đến cái chết tức tưởi của bạn thân do chính bạn chia sẻ đang nhận được rất nhiều sự quan tâm. Không biết, cuộc sống của bạn có gì xáo trộn không?
Mình về Việt Nam theo kỳ nghỉ đông của trường từ tháng 12/2018, từ đó đến lúc đăng tải bài viết là cuối tháng 2/2019, mình đã luôn đau đáu chuyện có nên viết ra bài chia sẻ ấy hay không. Vì thật sự, khi trở thành tâm điểm của những lời đồn thổi vô căn cứ từ tháng 5/2016, mình đã từng lên tiếng giải thích, lúc đó sự việc chỉ ở quy mô trường học. Mình nghĩ như thế là xong xuôi rồi, không ngờ sau đó lại tiếp tục bùng phát và kéo dài đến tận hôm nay.
Thời gian đầu, mình thật sự sốc, lúc đó mình chỉ là cô nữ sinh 17 tuổi, mình không biết làm gì khác ngoài việc cầu cứu thầy cô. Mình có trình báo sự việc lên công an và được giải quyết êm xuôi khi các tài khoản đăng tải bài viết tố cáo kia đã im lặng gỡ bài mà không có thêm bất kỳ phản hồi nào.
Từ đó đến bây giờ, cũng khoảng 3 năm rồi, mình chọn cách im lặng vì không nghĩ sự việc lại kéo dài đến vậy. Năm nào bạn người bạn đã khuất của mình cũng bị gọi tên. Nhưng đó không phải là tất cả.
Clip: Lan Thy kể lại diễn biến sự việc bị tố ăn cắp ý tưởng của bạn thân
Sự việc nghiêm trọng đến mức nào?
Mỗi năm, lượng phát tán và chia sẻ bài viết tố cáo mình ngày một nhiều, kỳ lạ là sau mỗi lần được đăng tải, bài viết ấy lại xuất hiện thêm nhiều tình tiết mới và hoàn toàn không có căn cứ.
Suốt thời điểm từ khi du học Nhật (tháng 8/2016) đến lúc chia sẻ bài thanh minh (tháng 2/2019), mình đã ẩn facebook chính, chỉ dùng một tài khoản phụ để liên lạc với bạn bè thân thiết và gia đình. Tuy vậy, thành viên mạng Việt Nam vẫn tiếp tục vào công kích, thậm chí còn ‘khủng bố’ website trường học ở Nhật của mình với những email tố cáo viết bằng tiếng Anh và tiếng Nhật theo văn phong của google dịch. Mình được nhà trường mời lên làm việc, họ hỏi mình nên xử lý việc này thế nào và xem mình có được an toàn, có cần bảo vệ hay không.
Chưa hết, bạn bè của mình, kể cả người bạn ngoại quốc, cũng được dân mạng tìm tới, spam tin nhắn và report tài khoản. Sự việc liên quan đến mình, mình chịu, nhưng mình cảm thấy phiền khi những người ngoài cuộc khác cũng bị liên lụy.
Vậy đó có phải là lý do mà bạn quyết định liên tiếng đính chính lại sự việc bị tố cáo cách đây 3 năm?
Đúng vậy, mình không muốn sự việc của mình ảnh hưởng đến bạn bè. Thêm nữa, nó đã đi quá xa và kéo dài quá lâu. Mình quyết định lên tiếng vào thời điểm này, khi đã chuẩn bị đầy đủ bằng chứng cho những lời nói của mình. Và mình không muốn sự việc bị đẩy đi quá xa, theo chiều hướng tiêu cực và vô căn cứ nữa.
Clip: 9X tâm sự chuyện nhiều dân mạng ‘khủng bố’ facebook bạn bè và website trường học ở Nhật của cô
Bạn bè ngoại quốc của bạn phản ứng thế nào khi biết được scandal mà bạn đang vướng phải ở quê nhà?
Khi mình hỏi các bạn có tin vào những lời tố cáo mình hay không thì các bạn trả lời không, vì nó không có bằng chứng. Và nếu điều đó thật sự xảy ra thì họ cũng không quan tâm vì đó là chuyện cá nhân của mình. Chỉ cần không làm gì xấu với họ thì họ vẫn coi mình là bạn.
Mất bao lâu để bạn hoàn thành xong bài viết thanh minh cho sự việc mà bạn đã im lặng quá lâu rồi?
Mình bắt đầu viết từ ngày 30 Tết vừa rồi, nhưng thời gian viết thì không lâu bằng thời gian ngồi tìm bằng chứng, cụ thể là những đoạn chat với người trong cuộc.
Ban đầu, mình đăng bài lên facebook chính, nhưng chỉ sau 10 phút, tài khoản đó bị report, đến giờ vẫn chưa lấy lại được. Mình đành phải đăng lên facebook phụ. Lúc đó, ảnh các cuộc hội thoại đều phải chụp lại từ màn hình nên hơi mờ, điều này khiến nhiều bạn cho rằng mình cắt ghép, photoshop làm giả thời gian trò chuyện.
Ba mẹ của bạn có biết gì về chuyện bạn đang trở thành tâm điểm công kích của dân mạng cũng như việc nhà trường ở Nhật Bản gọi bạn lên làm việc không?
Thật may mắn là gia đình mình không sử dụng mạng xã hội nên họ gần như không hay biết về việc mình bị dân mạng công kích, miệt thị. Việc được nhà trường mời lên trao đổi, vì không muốn ba mẹ lo lắng nên mình không chia sẻ.
Im lặng không phải là cách giải quyết tốt nhất
Một điều mà tất cả mọi người đều thắc mắc là tại sao khi sự việc bắt đầu bùng phát, bạn không lên tiếng bảo vệ chính mình mà phải chờ đến thời điểm hiện tại, sau 3 năm?
Việc mình im lặng quá lâu không phải mình sợ hay không muốn lên tiếng, mà đơn giản chỉ vì nghĩ, đã giải thích một lần rồi thì không nên bàn đến nữa. Và dù không thanh minh trên mạng nhưng mình vẫn âm thầm tìm cách giải quyết sự việc bằng cách nhờ đến thầy cô và cơ quan chức năng.
Trước ngày đi du học, mình nghĩ mọi thứ đã êm xuôi vì không còn ai bàn tán đến nó nữa. Sang Nhật, mình đã khóa tài khoản facebook chính lại và ít hoạt động mạng xã hội hơn. Thầy cô lúc đó cũng khuyên mình nên im lặng, vì suy cho cùng thì đó cũng chỉ là những lời đồn trên mạng, sẽ không ảnh hưởng đến cuộc sống bên ngoài của mình.
Cho đến khi sự việc đi quá xa, kể cả người bạn đã khuất cũng liên tục bị gọi tên, bới móc hình ảnh. Thậm chí, khi thấy mình chụp hình chung với một người bạn cùng tên với người bạn đã mất, dân mạng lấy hình người bạn này rồi khóc thương trong khi bạn ấy vẫn còn sống. Và còn rất nhiều sự việc quá đáng khác nữa.
Bạn có nghĩ là mình đã sai khi im lặng quá lâu?
Để mọi việc đi quá xa, ảnh hưởng đến quá nhiều người như hiện tại, một phần là lỗi của mình. Nhưng một cô bé khi đó mới 17, 18 tuổi còn biết làm gì hơn ngoài việc im lặng trong sợ hãi, khi dư luận bủa vây?
Khi chia sẻ bài viết thanh minh và nhận được nhiều phản hồi khác nhau, mình càng nhận ra một điều rằng, mình không nên sợ hãi, vì những bình luận đó hoàn toàn không có căn cứ. Việc mình im lặng quá lâu là lựa chọn không tốt và không công bằng với những người xung quanh khi bị thóa mạ không lý do. Vì vậy, thay vì im lặng thì mình lên tiếng nói rõ mọi chuyện.
Có bao giờ bạn cảm thấy buồn khi vừa được tung hô là ‘hot girl ống nghiệm’ chưa được bao lâu lại bị dìm hàng là ‘tinh trùng khuyết tật’?
Nhiều người nói rằng, là người nổi tiếng thì phải chịu. Nhưng mình không đồng ý, bởi có nổi tiếng đến mấy thì vẫn là con người, vẫn cần được tôn trọng. Mình đã từng buồn, đã từng sốc, chính vì điều này mà mình đã im lặng suốt thời gian dài.
Còn nhớ, sự việc nhận xét về đề thi Sử phù hợp với người không thích học thuộc lòng, ‘muốn hôn đề Sử’ của bạn vào tháng 7/2016 cũng khiến bạn nhận về không ít lời chỉ trích. Có bao giờ, khi nghĩ về những lời nói bồng bột của mình, bạn cảm thấy ngại ngùng, xấu hổ?
Trước hết, mình nhận mình sai khi phát ngôn như vậy. Tính cách của mình lúc đó còn khá trẻ con và ‘cà rỡn’.
Khi biết tin sắp đi du học (tháng 8/2016), mình đã không đầu tư quá nhiều vào môn Sử như các bạn khác. Mục tiêu lúc đó của mình là đủ điểm tốt nghiệp và mình đã hoàn thành mục tiêu ấy. Cộng thêm việc, Sử là môn cuối cùng nên mình cảm thấy khá nhẹ nhõm và đã có những phát ngôn bồng bột.
Sau những biến cố đã trải qua, bài học kinh nghiệm mà bạn rút ra cho bản thân mình là gì?
Trong lúc trải qua thì thấy ghê gớm, qua rồi lại thấy mình trưởng thành. Việc viết ra bài note là chứng minh cho việc mình đã dám đối mặt, thay vì im lặng như trước đây.
Mình đã trưởng thành hơn rất nhiều, bình tĩnh xử lý mọi việc, trước khi đề cập đến vấn đề tranh luận nào đó, đều chuẩn bị bằng chứng kỹ càng.
Mình từng xem mạng xã hội là tất cả, đi đâu cũng check-in, đăng ảnh, rồi ngồi đếm like. Nhưng từ khi đi du học, ít hoạt động mạng xã hội, mình nhận ra cuộc sống ngoài kia còn nhiều điều hay ho mà bản thân chưa khám phá. Mình thấy cuộc sống như hiện tại, ý nghĩa hơn rất nhiều.
Dự định sắp tới của bạn là gì?
Mình tính học xong Đại học ở Nhật thì sẽ học lên Thạc sỹ ở nước ngoài.
Cảm ơn Lan Thy vì cuộc trò chuyện. Chúc bạn thành công với sự lựa chọn của mình!
Nguồn: Tiin.vn