Mình đang giai đoạn thanh lý list tên miền đẹp để kiếm tiền trả nợ. Báo giá đã /5-10 lần so với trước kia nhưng anh em vẫn bảo “mắc quá”. Mình “cay” quá nên thôi không thanh lý nữa, nghĩ cách làm gì đó với một số tên miền đẹp chưa xây. Nhìn list tên miền nhập thêm sau khi bán book.vn vào năm ngoái. Thấy có domain ytuong.vn hay hay, nhưng vẫn đang bí hướng để xây.
Tên thì hay, mà đầu thì rỗng. Lúc đầu tư vào còn máu me “mua tên miền để đó biết đâu giàu”. Vậy mà để hoài, nó cứ nằm đó, trơ trơ như một cái chậu bonsai chưa trồng cây, chỉ đợi một hôm chủ vườn có hứng…
Cách đây vài hôm, đang lúc cao hứng mình mở máy ra, gõ vu vơ: “Lập plan gợi ý phát triển trang ytuong.vn, phù hợp với các nguồn lực của Trần Thịnh Lâm?”
Thế là AI gợi ý ra một loạt gợi ý. Nó còn hỏi ngược lại: “Anh muốn blog phục vụ điều gì trong đời sống của chính anh?”
Ơ kìa, hỏi đúng cái mình đang trăn trở. Mình chẳng muốn chỉ viết cho vui. Mình cần một chỗ để gom lại hành trình, để sắp xếp suy nghĩ, để kể câu chuyện tái khởi nghiệp của chính mình, từ một tay lan man làm đủ thứ, gãy gánh, đang quay lại làm những công việc nhỏ, một dự án kinh doanh nhỏ là sim đẹp (simlocphat.vn)
Và vậy là mình bắt đầu phác thảo, đi theo hướng blog. AI gợi ý chuyên mục “Mỗi ngày 1 ý tưởng”, “Cà phê một mình”, “Góc thư giãn”, “Nghề tay phải”,… Viết từ chính chuyện mình đã sống, đã sai, đã làm lại. Không gồng. Không phô diễn. Chỉ là mình – Trần Thịnh Lâm – giữa thế giới đầy ồn ào, tìm lại một khoảng lặng riêng để nói ra tiếng lòng.
ChatGPT giúp mình lên dàn bài, nhắc mình mỗi sáng: “Viết một bài đi anh!”
Mà hay thiệt. Nó không than, không mệt, không xì trét như nhân viên người.
Nó đề xuất: “Tận dụng blog để quảng bá nghề chính của anh – bán sim số đẹp, và nghề tay trái – môi giới bất động sản”
Ủa ha, hồi nào giờ mình cứ nghĩ phải tách biệt. Nhưng giờ thấy, tất cả đều là mình. Mình có thể để một người ghé blog, đọc chuyện đời mà tình cờ biết thêm, à, ông này bán sim đó, chắc cũng tin tưởng được…
Tới nay, blog mới 3 ngày tuổi. Như một đứa trẻ vừa lọt lòng, da còn đỏ hỏn, mà lòng mình đã thấy rạo rực. Vì ít ra, nó không còn là mảnh đất hoang. Mình bắt đầu gieo hạt. Mỗi bài viết là một mầm cây nhỏ. Dù chưa ai đọc, chưa ai khen. Nhưng mình biết, mình đang tưới nước cho chính mình. Cho cái hệ thống tư duy lộn xộn bấy lâu được gói ghém lại thành chữ, thành câu.
Nhiều lúc ngồi viết, mình nhận ra nhiều điều chưa bao giờ thấy khi chỉ suy nghĩ trong đầu. Viết ra, là một cách tự hỏi. Là cách đối thoại với chính mình. Mà một người biết trò chuyện với chính mình, thì khó mà lạc đường được lắm.
Nên nếu bạn cũng có một cái tên miền mua từ năm nào chẳng nhớ.
Nếu bạn cũng từng “muốn viết mà chưa biết viết gì”.
Nếu bạn đang tìm cách để vừa kiếm tiền, vừa phát triển bản thân.
Thì… viết đi. Dù là một dòng mỗi ngày. Cũng đáng.
Biết đâu, vài năm sau, bạn sẽ cảm ơn cái ngày hôm nay – khi bạn bắt đầu gieo một hạt đầu tiên.
Kế hoạch chi tiết phát triển trang blog ytuong.vn – một hành trình không gấp nhưng phải đều (do AI gợi ý)
Lúc bắt đầu làm blog ytuong.vn, mình không đặt kỳ vọng cao về traffic, càng không mong nó kiếm tiền ngay lập tức. Cái mình cần là một nơi để lưu lại suy nghĩ, hệ thống hóa kiến thức, sắp xếp ý tưởng và thỉnh thoảng tự trò chuyện với mình… qua con chữ.
Tuy nhiên, khi đã chọn làm nghiêm túc, mình nghĩ blog cũng cần một kế hoạch phát triển bài bản. Không hoành tráng, nhưng phải có đường đi rõ ràng, có quy trình chăm sóc như chăm một mảnh vườn nhỏ – mỗi ngày làm một ít, vài tháng sẽ thành một vườn cây đủ loại. Sau đây là bản kế hoạch mình viết ra, dựa vào chính trải nghiệm hơn 10 năm làm content, vận hành website và hệ thống hóa các mô hình kinh doanh trước đó.
Về cách xây dựng chuyên mục
Một blog không thể chỉ có bài viết linh tinh. Phải có khung xương, có hệ thống. Mình chia blog ytuong.vn thành các chuyên mục dựa theo cảm xúc và mục tiêu sử dụng của người đọc.
Ví dụ:
- Cà phê một mình: nơi tâm sự, tự sự, viết cho chính mình, đúng chất “blog”.
- Ý tưởng mới: nơi cập nhật các ý tưởng kinh doanh, mô hình mới, gợi mở cho ai đang bí.
- Nghề tay phải: viết về kinh nghiệm bán sim, bán sách, làm nội dung, marketing,… những nghề mình từng trải.
- Góc thư giãn: nơi có truyện ngắn, bài nhẹ nhàng, đôi khi hài hước,…
- Góc tài liệu: nơi mình tổng hợp lại các tài liệu thực hành – như bộ 200 câu hỏi tư duy, sổ tay phát triển cá nhân,…
- Bài viết cũ: mình hồi sinh lại các bài mình từng viết trên Facebook, ebooks, blog cũ,… để tránh trôi đi mất.
Mỗi chuyên mục sẽ có một “chất” riêng, không lẫn với nhau. Mình coi như đây là những gian nhà nhỏ trong một khu vườn chung – người vào thăm tùy chọn lối đi. Việc này giúp người đọc cảm thấy dễ định vị, còn mình thì dễ tổ chức nội dung.
Về hướng phát triển traffic
Ngay từ đầu, mình xác định không chạy quảng cáo Google, không dùng trick để bùng traffic ngắn hạn. Mục tiêu là phát triển tự nhiên, bền vững, như cách gieo một mầm cây. Dưới đây là các hướng mình chọn:
- SEO từ khóa dài: viết nhiều bài có tiêu đề như “làm sao để giữ kỷ luật viết mỗi ngày”, “ý tưởng kinh doanh vốn dưới 50 triệu”,… Các từ khóa không cạnh tranh cao, nhưng đúng tâm lý người đọc đang tìm.
- Chia sẻ từ mạng xã hội: viết bài mới rồi chia lại lên Facebook cá nhân, group Zalo, Telegram, YouTube Shorts… nơi mình đã có sẵn người theo dõi thật, tương tác thật.
- Tạo liên kết nội bộ giữa các bài viết: khi người đọc vào một bài, có link dẫn sang bài khác cùng chủ đề – kiểu đi dạo từ nhà này qua nhà kia trong khu vườn blog.
- Xây mailing list: mình sẽ để form đăng ký nhận bài viết mới qua email. Không ồ ạt spam. Ai thích thì tự đăng ký, rồi gửi thư dạng thủ công, có cảm xúc thật.
- Viết như nói chuyện: thay vì viết kiểu SEO lạnh tanh, mình giữ văn phong gần gũi, có kể chuyện, có ngẫm nghĩ. Người đọc thích quay lại vì thấy blog “có người ở”.
Traffic ban đầu không nhiều, vài chục người/ngày cũng được. Quan trọng là họ thấy “đúng”, thấy blog này đáng ở lại. Thậm chí, mình thích kiểu “view thấp chất lượng cao” – giống như có ít bạn thân hơn là nhiều người quen xã giao.
Về cách kiếm tiền
Mình không làm blog này để kiếm tiền ngay, nhưng khi đã có nội dung tốt và độc giả đủ tin tưởng, việc tạo dòng thu nhập là chuyện có thể tính đến. Dưới đây là các hướng mình định làm:
- Bán sản phẩm cá nhân: ví dụ như bán sim, sách tự viết, ebook chuyên sâu, sổ tay phát triển bản thân,… Những thứ mình tự làm, kiểm soát chất lượng.
- Thu phí bài viết nâng cao: một số bài dạng hướng dẫn, công cụ, bài tập có thể để dạng “mở một phần – trả phí nếu muốn học sâu”. (p/s: AI gợi ý, nhưng mình thấy khó làm được)
- Gắn affiliate chọn lọc: nếu có khóa học, sách, phần mềm phù hợp, mình có thể giới thiệu, nhưng phải là cái mình từng dùng và thấy xứng đáng. Không bán linh tinh.
- Tạo lớp học nhỏ: có thể mở lớp 5–10 người về cách viết blog, xây dựng hệ thống nội dung, phát triển thương hiệu cá nhân – tất cả đều dựa vào chính blog này như case study. (mình có sẵn một số thứ từ elearning.vn, có thể khai thác thêm)
- Mở khu vực hội viên: nơi có nhiều công cụ hơn, có bản đồ phát triển cá nhân 12 tháng, có quyền gửi câu hỏi tư duy, tham gia thảo luận kín,… nhưng mình sẽ chỉ mở khi đã có ~5000 người theo dõi thật sự. (p/s: AI gợi ý, nhưng mình thấy khó làm được)
Bổ sung thêm: cách duy trì & động lực lâu dài
Blog chỉ sống được nếu người viết còn thấy hứng thú. Nên mình không ép viết mỗi ngày, mà chọn “viết mỗi khi thấy cần phải nói điều gì đó với chính mình”.
Một vài cách để duy trì cảm hứng:
- Viết ngắn cũng được, miễn là thật.
- Đọc lại bài cũ, thấy mình đã từng nghĩ thế nào, rồi viết tiếp phần hai.
- Trò chuyện với bạn bè, khách hàng, học viên – rồi chắt lọc thành bài viết chia sẻ chung.
- Lưu lại mọi ý tưởng, mọi đoạn đối thoại hay, mọi khoảnh khắc “ồ” – để dành lúc cạn chữ.
Blog này không phải dự án kiếm tiền nhanh. Nó là bản đồ hành trình của mình. Nếu có ai đó, vô tình đọc được, thấy mình cũng đang đi trên hành trình tương tự – thì đủ rồi.
Ytuong.vn là nơi mình nói chuyện với chính mình. Và nếu có ai đó nghe thấy – thì tuyệt.
Vậy đó, không cần phải ồn ào. Viết blog như chăm một chậu cây nhỏ. Cứ mỗi ngày tưới một chút. Rồi đến một lúc, hoa sẽ nở thôi.
Cách sử dụng AI để xây blog?
Sử dụng AI để xây blog là con dao hai lưỡi. Nếu biết cách, AI là trợ lý viết cực mạnh, giúp tiết kiệm thời gian, gợi ý góc nhìn, thậm chí giúp mình viết được khi mình không còn chữ. Nhưng nếu quá lạm dụng, blog sẽ mất đi chất riêng – như một quán cà phê toàn bài trí công nghiệp, ánh đèn hợp lý, decor đúng chuẩn… nhưng không có linh hồn.
Mình từng rơi vào cái bẫy đó. Có lúc thấy AI viết “ngon lành quá”, bèn để nó làm hết. Kết quả: bài ra đều nhưng không ai nhớ. Viết nhanh nhưng không ai quay lại. Còn giờ, mình dùng AI như một cây bút chì. Chữ vẫn là của mình, nhưng có AI giúp phác nét, tô sáng – bài viết có hồn nhưng cũng mạch lạc hơn.
Dưới đây là toàn bộ kinh nghiệm cá nhân về việc dùng AI để xây blog mà không đánh mất chất riêng, đúng kiểu “cộng tác chứ không phụ thuộc”.
1. Làm sao không quá phụ thuộc vào ai
Nguyên tắc đầu tiên: AI viết hộ, nhưng không nghĩ hộ.
Mỗi bài viết đều cần một “gốc lõi” là cảm xúc thật hoặc trải nghiệm thật. Nếu không có điều đó, AI chỉ tạo ra chữ, không tạo ra cảm xúc.
Vì vậy:
- Ý tưởng là của mình trước, rồi mới nhờ AI triển khai.
- Có khi mình viết dàn ý thô, có khi chỉ là 1 đoạn mở đầu, hoặc một khung nội dung.
- Dùng AI như người bạn đồng hành, giống như hỏi một người bạn: “nếu tao định viết bài về chuyện view thấp không phải là thất bại, mày nghĩ nên mở đầu ra sao?”.
Nếu không có mình chủ động trước, bài viết sẽ thành của AI chứ không còn là của mình nữa.
2. Làm sao không bị mất chất riêng
Chất riêng đến từ 3 yếu tố:
- Góc nhìn: cái cách mình quan sát thế giới, sự việc.
- Giọng văn: cách mình nói chuyện, kể lại câu chuyện.
- Dấu vết cá nhân: tên người, bối cảnh, cảm xúc, câu chữ chỉ mình mới có.
Khi dùng AI, mình luôn thêm vào dấu vết riêng sau khi AI viết. Ví dụ:
- Thêm một đoạn hội thoại cũ.
- Một câu mình từng ghi lại trong nhật ký.
- Một chi tiết tưởng như nhỏ nhưng rất thật (như: “lúc đó mình đang ngồi ở quán cà phê có con mèo vàng nhảy lên ghế đối diện”).
Dấu vết đó tạo ra sự “người”, khiến AI không thể sao chép được.
3. Làm sao để bài viết không giống ‘kiểu AI’
“Kiểu AI” là kiểu viết trôi chảy, hoàn chỉnh nhưng… vô cảm, quá chung chung và không có nhịp cảm xúc.
Cách tránh:
- Cố tình dùng câu ngắn – dài xen kẽ, như cách người thật nói chuyện. Đôi khi lặp từ, đôi khi cảm thán.
- Cắt bớt sự hoàn hảo: xóa đoạn tổng kết quá bài bản, thay bằng một câu cảm xúc cá nhân.
- Thêm khoảng lặng: như một đoạn “…” giữa dòng, hoặc một câu hỏi treo lửng.
Ví dụ:
Có những ngày viết xong một bài, mình chẳng dám đọc lại.
Vì sợ.
Sợ thấy mình đã từng yếu đuối đến vậy.
Những câu như vậy, AI ít khi tự tạo được. Nhưng nếu mình viết sườn cảm xúc đó, AI có thể giúp triển khai ra thành bài hoàn chỉnh mà vẫn đúng mạch.
4. Những prompt hay dùng để tạo bài viết khác biệt và đúng ý mình
Dưới đây là các loại prompt mình thường dùng. Không phải để AI làm hết, mà để gợi mở – rồi mình sửa, thêm, lược, cắt.
Prompt 1: triển khai góc nhìn cá nhân
Mình muốn viết một bài blog theo phong cách kể chuyện chân thực, cảm xúc. Chủ đề là: “Sự im lặng của giai đoạn view thấp không phải là thất bại, mà là giai đoạn thanh lọc”.
Viết bài này giúp mình truyền cảm hứng cho bạn bè đang chán nản vì ít tương tác.
Giọng văn đời thường, tự sự, không giáo điều. Gợi ý giúp mình một dàn ý + mở bài có chiều sâu.
Prompt 2: từ một trải nghiệm thật – giúp tạo bài viết
Đây là câu chuyện thật của mình: “Năm 2022, mình từng đầu tư mở shop sách online, bán tốt 3 năm đầu, nhưng sau đó bị lỗ, phải dọn kho, chỉ còn em trai trông coi. Mình bỏ cuộc, rồi nay quay lại phụ dọn kho để kết thúc”.
Viết giúp mình một bài blog theo kiểu “hồi ký – chiêm nghiệm”, rút ra bài học cho những người từng thất bại trong kinh doanh.
Phong cách: nhẹ nhàng, chân thật, có chút triết lý.
Prompt 3: muốn bài có chất riêng – yêu cầu AI viết như “mình”
Viết lại bài này theo văn phong của Trần Thịnh Lâm: gần gũi, đôi khi tự trào, có chất chiêm nghiệm và kể chuyện như đang nói chuyện với người bạn cũ.
Bỏ những đoạn lý thuyết khô khan. Thêm ví dụ hoặc hình ảnh đời thường.
Prompt 4: bài viết dạng hệ thống – nhưng vẫn có chiều sâu
Giúp mình triển khai một bài blog chia sẻ “7 trụ cột sống như tre – đơn giản mà vững chãi”.
Mỗi trụ cột là một góc nhìn sống: đơn giản hóa, giữ gốc rễ, linh hoạt, buông bỏ,…
Viết bài theo phong cách kể chuyện – chiêm nghiệm, tránh liệt kê khô cứng.
Gợi ý câu chuyện hoặc hình ảnh ẩn dụ cho mỗi trụ cột.
5. cách “training AI” thông minh hơn & hợp với “gu” của Trần Thịnh Lâm
Muốn AI hiểu mình, thì phải để AI đọc mình trước. Mình gọi đó là “nuôi AI bằng gu”.
Cách làm:
- Cung cấp vài bài mẫu mình từng viết, có văn phong rõ nét. Cho AI đọc để nó hiểu chất riêng.
- Mỗi lần AI viết chưa đúng, mình sửa lại rồi bảo: “đây mới đúng gu của tôi”. Dần dần, AI học được giọng riêng của mình.
- Viết sẵn những nguyên tắc văn phong, ví dụ:
- Không dùng bullet point.
- Không xưng “bạn” – dùng “mình”, “chúng ta”.
- Ưu tiên kể chuyện, có ngẫm nghĩ, có đoạn cảm xúc ngắn.
Khi làm như vậy, AI sẽ dần biết đâu là văn phong “mang dấu ấn Trần Thịnh Lâm” và trả ra bài viết tiệm cận hơn với chất riêng.
Tóm lại
AI là cây bút chì sắc, nhưng tâm hồn bức tranh là mình vẽ.
Dùng AI để blog không còn là cuộc vật lộn giữa cảm xúc và con chữ – mà là hành trình hợp tác giữa trực giác và công nghệ.
Xem bài viết gốc: https://ytuong.vn/y-tuong-xay-blog-de-kiem-tien-case-ytuong-vn/